Meta bắt đầu chèn quảng cáo trên WhatsApp
Bắt đầu từ tuần này, quảng cáo sẽ xuất hiện trên WhatsApp — nhưng không phải trong các cuộc trò chuyện riêng tư của người dùng. Thay vào đó, Meta sẽ triển khai nội dung được tài trợ thông qua tính năng “Status” (Trạng thái) trong thẻ Updates (Cập nhật) của WhatsApp.

Bước ngoặt lớn cho một ứng dụng vốn không có quảng cáo
Tính năng mới này đánh dấu sự thay đổi lớn đối với WhatsApp. Cần nhớ, đây là một ứng dụng từ lâu nổi tiếng vì không có quảng cáo và tập trung vào quyền riêng tư. Meta khẳng định thay đổi này không ảnh hưởng đến các cuộc trò chuyện riêng tư, và tất cả tin nhắn vẫn sẽ được bảo vệ như trước. Công ty cũng nhấn mạnh rằng quảng cáo chỉ xuất hiện ở các khu vực “không can thiệp vào giao tiếp riêng tư” của người dùng.
Người dùng sẽ thấy quảng cáo mới trong phần Status của WhatsApp. Đây là tính năng tương tự như Stories trên Instagram hay Snapchat, cho phép người dùng chia sẻ nội dung có thời hạn và tự động biến mất sau 24 giờ. Giờ đây, bên cạnh các bản cập nhật từ người dùng bè, người dùng có thể bắt gặp quảng cáo từ các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Tính năng này đã được Meta ấp ủ từ lâu. Dù từng tạm hoãn kế hoạch đưa quảng cáo vào WhatsApp vào năm 2020, công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu cách triển khai sao cho không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Năm 2023, Giám đốc WhatsApp – Will Cathcart – xác nhận họ vẫn đang phát triển kế hoạch, và đến nay nó chính thức được triển khai.
WhatsApp, miền đất tăng trưởng mới của Meta
Meta đã thu về hơn 160 tỉ USD doanh thu quảng cáo trong năm ngoái, và WhatsApp giờ đây được xem là mặt trận mới để mở rộng. Những nhà sáng lập WhatsApp ban đầu không chấp nhận việc quảng cáo trong ứng dụng. Thế nhưng, từ khi Meta mua lại WhatsApp vào năm 2014, ứng dụng này đã thay đổi rất nhiều.
Nếu người dùng lo ngại dữ liệu cá nhân sẽ bị khai thác cho quảng cáo, Meta cho biết họ đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng. Cụ thể, chỉ một lượng thông tin “giới hạn” được dùng để cá nhân hóa quảng cáo, bao gồm: Khu vực chung của người dùng (quốc gia hoặc thành phố); Ngôn ngữ sử dụng; Các kênh người dùng theo dõi; Cách người dùng tương tác với quảng cáo.
Điều quan trọng là: nội dung riêng tư như tin nhắn, cuộc gọi, hay hoạt động trong nhóm sẽ không bị sử dụng cho mục đích quảng cáo. Meta cũng cam kết không bán hay chia sẻ số điện thoại của người dùng cho nhà quảng cáo.
Nếu muốn kiểm soát các tùy chọn quảng cáo, người dùng có thể thực hiện trong Trung tâm tài khoản (Accounts Centre), nơi quản lý cách dữ liệu của người dùng được sử dụng trên tất cả ứng dụng thuộc Meta như Facebook và Instagram.
Meta chia sẻ trong thông báo: “Chúng tôi đã nói về kế hoạch xây dựng một mô hình kinh doanh không can thiệp vào các cuộc trò chuyện suốt nhiều năm qua. Chúng tôi tin rằng tab Updates là nơi phù hợp để triển khai những tính năng mới này”.
Kiếm tiền qua kênh được tài trợ
Sự thay đổi này không chỉ dừng ở quảng cáo trong phần Status. Meta cũng đang giới thiệu các kênh được tài trợ trong mục Khám phá (Explore) của WhatsApp. Khi người dùng tìm kiếm kênh mới để theo dõi, sẽ bắt đầu thấy các kênh được tài trợ nổi bật hơn trong danh sách.
Người dùng cũng có thể đăng ký theo dõi các kênh nhất định để nhận “các cập nhật độc quyền”. Đây là một phần trong nỗ lực của WhatsApp nhằm chuyển mình từ một ứng dụng nhắn tin riêng tư sang nền tảng cung cấp thêm nội dung và công cụ kết nối, tương tự như Facebook hay Instagram.
Dù việc triển khai quảng cáo trên WhatsApp có thể gây tranh cãi, Meta có vẻ vẫn cam kết không đụng đến cuộc trò chuyện riêng tư của người dùng, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Với nhiều người, việc cân bằng giữa quyền riêng tư và trải nghiệm nội dung mới sẽ quyết định mức độ chấp nhận với thay đổi này.
WhatsApp, một ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Meta (công ty mẹ của Facebook), là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới với hơn 2 tỉ người dùng toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, WhatsApp không phải là ứng dụng nhắn tin thống trị mà thị phần người dùng của nó khá khiêm tốn so với các đối thủ lớn.
WhatsApp ở Việt Nam chủ yếu được sử dụng trong các nhóm công việc, doanh nghiệp có yếu tố quốc tế hoặc với những người có mối quan hệ làm việc/kết nối với nước ngoài. Nó cũng phổ biến trong cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, hoặc những người Việt Nam thường xuyên giao tiếp với bạn bè/đối tác quốc tế.
Các báo cáo gần đây về thị phần ứng dụng nhắn tin tại Việt Nam (như của Q&Me, DataReportal) thường không liệt kê WhatsApp vào các ứng dụng có thị phần đáng kể về thời lượng sử dụng hoặc lượng người dùng thường xuyên hàng tháng, khi so sánh với Zalo (gần 78 triệu tài khoản vào đầu 2025), Facebook Messenger (với lượng tài khoản Facebook tại Việt Nam đạt hơn 66 triệu).