Nhịp đập công nghệ

Những kỹ thuật canh tác bền vững tiên tiến tại châu Á

Cẩm Bình 22/07/2025 16:00

Dân số toàn cầu dần tiến gần mốc 9 tỉ người vào năm 2050, kéo theo nhu cầu lương thực gia tăng. Ngành nông nghiệp đang chịu áp lực vô cùng lớn.

Đặc biệt châu Á - nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu - luôn phải tìm cách nuôi sống hàng tỉ người, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng suất đất đai lẫn cây trồng, cũng như bảo vệ môi trường. Những kỹ thuật canh tác bền vững tiên tiến đang thúc đẩy một kỷ nguyên nông nghiệp hiện đại. Loạt tiến bộ mới nhất, từ nông nghiệp chính xác ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến phân bón sinh học, kỹ thuật xử lý chất thải đều góp phần làm thay đổi nông nghiệp truyền thống và định hình tương lai theo hướng bền vững hơn.

Screenshot 2025-07-22 134553
Châu Á luôn phải tìm cách nuôi sống hàng tỉ người - Ảnh: EDB Singapore

Theo trang Farmonaut, nông nghiệp hiện đại châu Á có 5 trụ cột sau:

Nông nghiệp chính xác dựa trên dữ liệu

Nông nghiệp chính xác cách mạng hóa các trang trại thông qua loạt kỹ thuật dựa trên dữ liệu để tối ưu hóa nguồn lực đầu vào như phân bón, nước và thuốc trừ sâu, qua đó tối đa hóa hiệu quả đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cảm biến từ xa cùng hình ảnh vệ tinh giúp theo dõi sức khỏe cây trồng lẫn tình trạng đất. Phân tích dự đoán bằng AI hỗ trợ ra quyết định linh hoạt theo thời gian thực. Công nghệ tỷ lệ biến thiên (VRT) tính toán chính xác nguồn lực đầu vào cần thiết. Còn máy móc được dẫn đường bằng GPS quản lý đồng ruộng siêu chính xác.

Phân bón sinh học

Chiến lược bón phân bền vững đóng vai trò nền tảng của nông nghiệp hiện đại, đặc biệt ở châu Á nơi thâm canh gây thoái hóa đất. Tiến bộ công nghệ không chỉ chú trọng năng suất mà còn quan tâm đến sức khỏe đất đai, tác động đến biến đổi khí hậu.

Phân bón sinh học được bổ sung lợi khuẩn (để cố định ni tơ và hòa tan phốt phát) giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào phân bón tổng hợp. Chúng tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng của đất một cách tự nhiên, cải thiện cấu trúc đất và giảm thiểu mất độ phì nhiêu, góp phần giữ carbon trong đất chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn có sự bổ sung chất hữu cơ cùng hợp chất giải phóng chậm nuôi dưỡng độ phì nhiêu của đất. Tất cả tạo nên giải pháp cân bằng, có thể được điều chỉnh để phù hợp với cây trồng lẫn điều kiện đất đai tại chỗ.

Kỹ thuật xử lý chất thải tiên tiến

Mỗi năm châu Á thải ra hàng triệu tấn phế phẩm từ cây trồng. Nếu không được xử lý hay đốt đi thì chúng sẽ làm gia tăng ô nhiễm, gây lãng phí tài nguyên. Hiện nay có nhiều kỹ thuật xử lý tiên tiến giúp chuyển đổi chất thải thành tài nguyên.

Đầu tiên là than sinh học được tạo ra bằng cách nhiệt phân có kiểm soát vật liệu hữu cơ như gỗ, rơm rạ, vỏ trấu, bã mía. Loại than này cải thiện sức khỏe đất đồng thời giữ carbon trong lòng đất suốt hàng thế kỷ. Ngoài ra, khí sinh học sản sinh từ quá trình phân hủy chất hữu cơ trong môi trường kị khí cũng góp phần tạo ra năng lượng sạch và phân hữu cơ chất lượng cao.

Sáng kiến bảo tồn nước hiện đại

Khả năng tiếp cận nước và quản lý bền vững quyết định tương lai nông nghiệp châu Á. Các công nghệ mới mạnh mẽ đang cải thiện đáng kể năng suất đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá bậc nhất.

Kỹ thuật tưới nhỏ giọt với cảm biến ghi nhận độ ẩm đất theo thời gian thực giúp cung cấp nước chính xác đến đúng nơi, đúng lúc, qua đó giảm đáng kể tình trạng lãng phí. Còn kỹ thuật thu nước mưa tối đa hóa khả năng tiếp cận nguồn nước, hỗ trợ hoạt động canh tác ở khu vực bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bổ sung nước ngầm cũng là việc cần làm để đảm bảo duy trì trữ lượng cho lúc thời tiết trở nên thất thường.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những kỹ thuật canh tác bền vững tiên tiến tại châu Á
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO