Công nghệ quân sự

Mỹ phát triển drone cảm tử giá rẻ nhằm vượt mặt Shahed-136 của Iran

Hoàng Vũ 18/07/2025 16:24

Mỹ chính thức ra mắt LUCAS (Low-Cost Uncrewed Combat Attack System) hôm 16.7, một loại drone cảm tử giá rẻ, có khả năng thay thế và vượt trội so với Shahed-136 do Iran sản xuất.

Theo Army Recognition, LUCAS được phát triển bởi hãng quốc phòng SpektreWorks tại Arizona (Mỹ) và được trình diễn tại Lầu Năm Góc cùng 18 hệ thống không người lái tự hành khác.

Sự kiện là bước tiến trong chiến lược quốc phòng mới của Lầu Năm Góc khi triển khai các hệ thống drone giá rẻ, dễ sản xuất, tự tiêu hao, nhằm hỗ trợ chiến thuật tác chiến phân tán, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

drone trưng bày
Tất cả các loại drone được trưng bày trong sự kiện tại Lầu Năm Góc - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Thiết kế mở, cấu hình linh hoạt

LUCAS dựa trên mẫu drone mục tiêu FLM-136, do SpektreWorks phát triển với thiết kế cánh tam giác, động cơ piston, trọng lượng phóng khoảng 70 - 100kg. Điểm đặc biệt của LUCAS là kiến trúc mở: phép lắp các mô-đun cảm biến trinh sát, chế áp điện tử hoặc khối nổ tùy theo nhiệm vụ.

Drone có thể phóng từ xe tải hoặc bằng bệ RATO (Rocket-Assisted Take-Off), không cần đường băng hay hệ thống phóng chuyên dụng. Hệ thống điện kép 12V/28V và mạng điều khiển tải trọng tích hợp giúp LUCAS điều khiển linh hoạt thiết bị trong khi bay.

Dù có ngoại hình trông giống Shahed-136 của Iran, nhưng LUCAS được đánh giá là vượt trội hơn nhờ khả năng chiến đấu linh hoạt. Điểm nổi bật là nó có thể kết nối vào hệ thống truyền thông không người lái MUSIC, giúp LUCAS phối hợp theo đội hình với các drone khác, chia sẻ dữ liệu trên chiến trường, hoặc làm cầu nối liên lạc giữa các đơn vị và chỉ huy.

LUCAS có thể nặng tới 600kg và bay cao đến 5.500 mét. Trong khi Shahed-136 chỉ đơn thuần là đạn bay giá rẻ dùng cho các đợt tấn công tiêu hao, LUCAS kết hợp giữa giá thành thấp, khả năng linh hoạt, và tích hợp hệ thống điều khiển tiên tiến.

Bước ngoặt từ chính sách

LUCAS được giới thiệu đúng lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành bản ghi nhớ ngày 10.7 mang tên “Giải phóng sức mạnh drone của quân đội Mỹ”.

Theo đó, các loại drone cỡ nhỏ (nhóm 1 và 2) được xếp vào nhóm "vật tư tiêu hao" giống như lựu đạn hay đạn dược, thay vì coi là vũ khí chiến lược như trước. Riêng LUCAS (thuộc nhóm 3), dù lớn hơn, cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới khi quy trình thử nghiệm, mua sắm và triển khai được rút gọn đáng kể.

Điểm quan trọng là các đơn vị có quyền tự đặt mua drone mà không cần qua nhiều bước phê duyệt phức tạp - điều mở ra cơ hội đẩy nhanh tốc độ trang bị trên thực địa.

Chương trình Thử nghiệm quốc phòng nhanh (RDER), vốn chỉ là sáng kiến thời chính quyền trước, giờ đã trở thành một phần cốt lõi trong cấu trúc nghiên cứu phát triển của Lầu Năm Góc. RDER được tích hợp vào cơ chế mang tên T-REX, nền tảng thử nghiệm công nghệ với các đợt bắn đạn thật diễn ra hai lần mỗi năm. Nhờ cơ chế mới, những sản phẩm như LUCAS có thể hoàn thiện từ bản vẽ đến triển khai thực tế chỉ trong 18 tháng thay vì mất tới 6 năm như trước kia.

Song song đó, danh sách "Blue UAS List" - tập hợp các drone được quân đội Mỹ chấp thuận sử dụng, đang được mở rộng để đón nhận đề xuất từ cả các đơn vị cấp thấp và các startup. Mục tiêu là thúc đẩy sáng tạo từ cơ sở, ưu tiên dùng sản phẩm sản xuất trong nước và tận dụng công nghệ AI, tự động hóa.

Tự chủ công nghệ

Mỹ cũng đang đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng drone. Ngày 1.7, Bộ Thương mại Mỹ khởi động cuộc điều tra an ninh quốc gia theo Điều 232, nhằm đánh giá rủi ro từ việc nhập khẩu drone và linh kiện, đặc biệt từ Trung Quốc, bao gồm hai hãng sản xuất drone như DJI và Autel Robotics. Cuộc điều tra được công bố chính thức ngày 15.7, và có thể dẫn đến cấm nhập, áp thuế cao hoặc hạn chế sử dụng các thiết bị nước ngoài trong quân đội.

Cuộc điều tra nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng không đáng tin cậy và tăng tốc phát triển công nghệ nội địa. Nhà Trắng cũng kêu gọi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đẩy nhanh tiến trình cấp phép và tích hợp drone vào không phận Mỹ, đặc biệt với các hệ thống hoạt động ngoài tầm nhìn trực tiếp (BVLOS), nhằm chuẩn bị cho một thế hệ drone tự hành hoạt động độc lập và kết nối sâu hơn trong hạ tầng chiến đấu.

Bài học từ Shahed-136

Shahed-136, do Iran phát triển, là minh chứng cho sức mạnh của vũ khí tiêu hao trong chiến tranh phi đối xứng. Với tầm bay lên tới 2.500km, chi phí cực thấp và khả năng sử dụng một lần, Shahed cho thấy hiệu quả vượt trội khi được triển khai ồ ạt ở Ukraine và Trung Đông. Nga sau đó đổi tên thành Geran-2 và sử dụng trong các đợt tấn công bão hòa, gây quá tải radar, đánh lừa cảm biến và xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại.

Thành công của Shahed-136 đến từ sự kết hợp giữa tính đơn giản, khả năng sản xuất hàng loạt và hiệu quả chiến thuật. Drone này sử dụng linh kiện thương mại, có thể dễ dàng chế tạo và được triển khai theo kiểu “bầy đàn” để tấn công mục tiêu dân sự lẫn quân sự.

Nhiều quốc gia như Belarus, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ukraine, Triều Tiên, và cả các nước ở châu Phi và Trung Đông đã phát triển hoặc sao chép các phiên bản tương tự, nhiều trong số đó dựa trên các xác drone bị bắn rơi. Từ một thiết kế giá rẻ, Shahed-136 đã trở thành biểu tượng cho thế hệ vũ khí cảm tử mới, dễ chế tạo, khó đánh chặn và gây thiệt hại vượt xa chi phí sản xuất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mỹ phát triển drone cảm tử giá rẻ nhằm vượt mặt Shahed-136 của Iran
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO