Công nghệ quân sự

Mỹ chính thức ‘mở’ kỷ nguyên máy bay không người lái trong quân đội

Hoàng Vũ 12/07/2025 12:31

Lầu Năm Góc vừa công bố một trong những thay đổi chiến lược lớn nhất nhiều năm qua: hàng nghìn máy bay không người lái (drone) nhỏ, bao gồm cả loại có vũ trang, sẽ được triển khai rộng rãi cho mọi đơn vị trong quân đội Mỹ.

Theo TWZ, điểm đột phá nằm ở việc các dòng drone nhỏ, vốn trước đây được coi là “thiết bị bay cao cấp”, nay sẽ được xếp vào loại vũ khí tiêu hao, tương tự như lựu đạn hoặc đạn dược. Điều này mở đường cho các đơn vị cấp thấp được tự mua, huấn luyện, thử nghiệm và vận hành drone ngay tại đơn vị của mình.

uav Mỹ 1
Một lính thủy đánh bộ Mỹ đang tập luyện với phiên bản vũ trang của máy bay không người lái R80D SkyRaider - Ảnh: Quân đội Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố thay đổi chính sách drone mới qua một video đặc biệt hôm 10.7, cụ thể là một chiếc drone nhỏ đã mang bản ghi nhớ chính sách tới tay ông. Văn bản mang tên “Giải phóng sức mạnh drone của quân đội Mỹ” đặt mục tiêu đưa máy bay không người lái vào trái tim chiến thuật hiện đại, đặc biệt sau những bài học từ chiến trường Ukraine và Trung Đông.

"Drone là sự đổi mới chiến trường lớn nhất. Trong khi đối thủ sản xuất hàng triệu chiếc drone giá rẻ mỗi năm, quân đội Mỹ vẫn bị trói chân bởi thủ tục và quy định lỗi thời. Các đơn vị Mỹ không được trang bị những drone nhỏ sát thương mà chiến trường hiện đại đòi hỏi”, ông Hegseth cho hay.

3 trụ cột của chiến lược mới

Bản ghi nhớ nêu ra 3 hướng nỗ lực trung tâm đằng sau các chính sách mới:

- Thúc đẩy ngành sản xuất drone trong nước: Củng cố cơ sở sản xuất drone non trẻ của Mỹ bằng cách phê duyệt hàng trăm sản phẩm Mỹ để quân đội mua sắm. Tận dụng dòng vốn tư nhân hỗ trợ ngành công nghiệp này, ưu tiên rõ ràng là "mua hàng Mỹ".

- Vượt bậc về công nghệ: Thúc đẩy một bước nhảy vọt công nghệ, trang bị cho các đơn vị chiến đấu nhiều loại drone chi phí thấp được sản xuất bởi các kỹ sư hàng đầu và chuyên gia AI của Mỹ.

- Huấn luyện như trong chiến đấu thật: Huấn luyện theo cách Mỹ mong đợi chiến đấu. Toàn bộ hệ thống đào tạo chiến đấu sẽ tích hợp drone từ diễn tập vũ trang đến các tình huống chiến đấu mô phỏng sử dụng đội hình drone.

Thay đổi chính sách quan trọng

Một trong những thay đổi chính sách quan trọng nhất là việc phân loại lại drone nhóm 1 và nhóm 2 như vật tư tiêu hao thay vì tài sản bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc chúng sẽ được quản lý giống như đạn dược hay lựu đạn, sử dụng rồi thay thế, không cần bảo trì dài hạn hay tuân thủ các quy chuẩn nghiêm ngặt như máy bay quân sự truyền thống.

uav Mỹ 2a
Một loạt drone cỡ nhỏ được trưng bày trong buổi trình diễn tại Lầu Năm Góc, đi kèm với các thông báo chính sách mới - Ảnh: Quân đội Mỹ

Theo phân loại của Bộ Quốc phòng Mỹ, drone nhóm 1 là những chiếc nhỏ gọn dưới 9kg, bay ở độ cao tối đa khoảng 365m với tốc độ khiêm tốn gần 20km/giờ. Drone nhóm 2 nặng hơn từ 9 - 25kg, có thể vươn lên độ cao 1.066m và đạt tốc độ tối đa lên tới 460km/giờ, đủ để thực hiện các nhiệm vụ tấn công nhanh và linh hoạt.

Một điều khoản then chốt khác trong bản ghi nhớ mới yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng không quân Dan Caine, phối hợp với các thứ trưởng quốc phòng phụ trách R&D (nghiên cứu và phát triển) và hậu cần để đánh giá khả năng mở rộng quy chế “tiêu hao” này cho cả drone nhóm 3.

Loại drone nhóm 3 này có trọng lượng từ 25 - 600kg, có thể bay ở độ cao từ hơn 1.400m đến gần 5.500m và tốc độ lên đến 350km/giờ. Nếu được xếp vào diện tiêu hao tương tự nhóm 1 và 2, các drone nhóm 3 sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong chiến lược trang bị, cho phép Mỹ triển khai drone cỡ vừa như một phần tất yếu, linh hoạt và sẵn sàng thay thế trong các tình huống chiến đấu khốc liệt.

Việc xếp các drone nhỏ vào danh mục tiêu hao mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Thứ nhất, nó cho phép phân phối xuống tận cấp đơn vị nhỏ, điều trước đây bị giới hạn bởi quy trình phê duyệt và quản lý phức tạp. Thứ hai, nó giảm thiểu yêu cầu về bảo trì, kiểm định và tiêu chuẩn kỹ thuật, như việc không cần tuân thủ chuẩn NATO STANAG 4856 vốn áp dụng cho các thiết bị bay lớn và đắt tiền.

Nhờ thay đổi chính sách, các loại drone cỡ nhỏ giờ đây trở thành vũ khí chiến thuật phổ biến: dễ tiếp cận, dễ sử dụng và có thể thay thế nhanh sau mỗi lần triển khai, tương tự như lựu đạn cá nhân của binh sĩ. Đây là bước ngoặt lớn trong cách quân đội Mỹ tích hợp drone vào tác chiến thực tế, biến chúng thành công cụ sát thương cấp tiểu đội chứ không còn là tài sản đắt đỏ cần bảo dưỡng lâu dài.

Chính sách mới cũng trao quyền chủ động cho cấp tiểu đoàn (O-6), cho phép sĩ quan cấp trung trực tiếp mua sắm, huấn luyện và cấp phép vận hành drone tại đơn vị mình. Đáng chú ý, các đơn vị còn có thể sử dụng drone tự chế hoặc in 3D tại chỗ, miễn là tuân thủ yêu cầu bảo mật.

Bên cạnh đó, các drone nhỏ được phép hoạt động trên mạng nội bộ tách biệt, không cần kết nối với hệ thống mạng chính của Bộ Quốc phòng Mỹ. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro an ninh mạng mà còn tăng đáng kể tính cơ động và chủ động trong điều kiện chiến trường phức tạp.

Phổ cập drone toàn quân

Bản ghi nhớ mới từ Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đặt ra một lộ trình rõ ràng để biến máy bay không người lái, đặc biệt là các loại nhỏ thuộc nhóm 1 và 2 thành trang bị chiến thuật phổ biến ở mọi cấp đơn vị chiến đấu.

uav Mỹ 32
Một phần của đội hình 40 chiếc drone trong một cuộc diễn tập của quân đội Mỹ - Ảnh: Quân đội Mỹ

Trước mắt, trong vòng 90 ngày, người đứng đầu các quân chủng phải chỉ định ít nhất 3 khu vực huấn luyện cấp quốc gia dành riêng cho drone. Các thao trường này phải có địa hình đa dạng bao gồm cả khu vực ven biển, nhằm phục vụ cho các bài huấn luyện phức hợp, bắn đạn thật và thử nghiệm đội hình tác chiến theo bầy đàn.

Song song đó, trước ngày 1.9, lục quân, hải quân, thủy quân lục chiến và không quân Mỹ sẽ thành lập các đơn vị drone thử nghiệm chuyên biệt. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt giúp quân đội Mỹ tăng tốc tiếp nhận, thử nghiệm và đưa drone nhỏ vào triển khai thực tế trên toàn lực lượng liên quân từ năm 2026.

Mục tiêu cuối cùng đến năm 2026 là bảo đảm mọi đơn vị chiến đấu từ trung đội trở lên, đều được trang bị drone chi phí thấp, dùng một lần, sẵn sàng đưa vào sử dụng như một phần không thể thiếu của chiến thuật hiện đại. Trọng tâm triển khai ban đầu là các đơn vị đóng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang tăng cường hiện diện để đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực. Từ huấn luyện đến thực chiến, toàn quân Mỹ sẽ phải "sống cùng drone", biến các loại máy bay không người lái nhỏ thành công cụ sát thương tiêu chuẩn, như lựu đạn, đơn giản, hiệu quả và có thể tự hủy sau mỗi nhiệm vụ.

Thách thức trong triển khai

Dù bản ghi nhớ từ Lầu Năm Góc mở ra bước ngoặt lớn trong chiến lược drone, câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ triển khai chính sách này nhanh đến đâu, và liệu có kịp không. Trong quá khứ, nhiều sáng kiến tương tự đã ra đời nhưng thiếu sức bật, điển hình như Replicator, một chương trình được khởi động từ năm 2023 với mục tiêu trang bị hàng ngàn drone giá rẻ cho toàn quân nhưng đến nay vẫn chưa đạt kỳ vọng.

uav Mỹ 323
Lính thủy đánh bộ Mỹ phóng một máy bay không người lái nhỏ trong quá trình huấn luyện - Ảnh: Quân đội Mỹ

Trong khi đó, ở Ukraine, nơi drone nhỏ và giá rẻ đang thay đổi bản chất của chiến tranh, các xưởng sản xuất dân sự quy mô nhỏ vẫn đang cho ra lò 2,5 - 3 triệu chiếc/năm, tức khoảng 200.000 drone mỗi tháng. Những con số này vượt xa khả năng sản xuất hiện tại của Mỹ và phơi bày lỗ hổng lớn trong chuỗi cung ứng quốc phòng Mỹ, đặc biệt nếu xảy ra xung đột quy mô lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một rào cản chiến lược khác chính là sự phụ thuộc vào linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc, quốc gia đang là nhà cung cấp chính cho các dòng drone thương mại và cả quân sự trên toàn cầu. Đây là lỗ hổng mà Lầu Năm Góc đang gấp rút khắc phục bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng nội địa hoàn toàn từ thiết kế đến sản xuất linh kiện, nhằm giảm thiểu nguy cơ bị can thiệp hoặc gián điệp từ đối thủ.

Trong bối cảnh đó, tư duy chiến thuật cũng đang được viết lại. Tại một hội thảo quốc phòng hồi tháng 4.2025, các tướng lĩnh thủy quân lục chiến Mỹ đã ví von sinh động rằng nếu ngày xưa một binh sĩ chỉ mang theo vài quả lựu đạn ném được vài chục mét, thì nay họ có thể "ném" một quả lựu đạn biết bay, một chiếc drone nhỏ, có thể lượn hàng cây số, điều khiển từ xa và đánh trúng mục tiêu chính xác như tên lửa có điều hướng.

“Nếu trước đây một lính bộ binh chỉ có thể tiêu diệt kẻ địch trong vòng 500m, thì với drone, họ có thể tấn công ở khoảng cách 15 - 20km, và xa hơn nữa”, trung tướng Benjamin Watson - Phó chỉ huy phụ trách đào tạo và giáo dục của thủy quân lục chiến Mỹ nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mỹ chính thức ‘mở’ kỷ nguyên máy bay không người lái trong quân đội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO