Kinh tế 4.0

'Miếng bánh to' cho nhân sự công nghệ ngân hàng

Tuyết Nhung 12/07/2025 18:33

Nhu cầu nhân lực với ngành ngân hàng đang rất lớn, nhưng đó là nhân lực công nghệ cao. Còn nhân lực "thủ công" truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề.

Làn sóng thay đổi bằng công nghệ

Trong kỷ nguyên của AI, trải nghiệm ngân hàng thông minh là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến như: Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), đám mây (cloud)... giúp các ngân hàng tăng cường hiệu suất, tối ưu hóa chi phí, phân tích dữ liệu một cách hiệu quả, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh một cách chính xác và kịp thời.

Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khoảng 85% ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai các giải pháp AI ở các mức độ khác nhau. Thị trường AI trong lĩnh vực tài chính toàn cầu được dự báo đạt 26,67 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) khoảng 23,17% trong giai đoạn 2021-2026.

blockchain01.jpeg
Làn sóng công nghệ đang thay đổi diện mạo toàn bộ ngành ngân hàng - Ảnh minh họa

Từ năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng như BIDV, Techcombank, VPBank, MB... đã ứng dụng AI, blockchain, cloud... sâu rộng vào việc kinh doanh. Nếu như năm 2021, tổng chi phí đầu tư công nghệ toàn ngành ngân hàng tăng vào khoảng 20.000 tỉ đồng thì năm 2024 các ngân hàng đã đầu tư hơn 32.000 tỉ đồng và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng thời gian tới. Phần lớn trong số đó chi cho các công nghệ mới như AI, học máy, sinh trắc học, big data... nhằm tăng người dùng, đẩy nhanh giao dịch.

Quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện với loạt công nghệ nổi bật như: công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học, và big data (dữ liệu lớn), cloud...

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ban Công nghệ BIDV cho rằng việc tiên phong xây dựng một hệ sinh thái tài chính số hiện đại là lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI, dữ liệu lớn, blockchain để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng...

Theo ông Thắng, với trí tuệ nhân tạo (AI), BIDV ứng dụng AI trong trợ lý ảo, phân tích hành vi khách hàng, xử lý hồ sơ tín dụng và xây dựng trợ lý nội bộ cho cán bộ ngân hàng.

Còn với blockchain, ngân hàng đã thử nghiệm ứng dụng trong xác thực chứng từ giao dịch quốc tế, lưu trữ tài liệu bất biến và nghiên cứu ứng dụng hợp đồng thông minh.

Với cloud computing, ngân hàng chuyển sang mô hình hybrid cloud hỗ trợ triển khai sản phẩm số nhanh chóng, lưu trữ tài liệu lớn và kết nối hệ sinh thái ngân hàng mở.

Theo ông Thắng, số lượng giao dịch các năm của BIDV tăng mạnh, có năm tăng 200 lần so với năm trước đó. Theo đó, tỷ trọng giao dịch chuyển dịch cũng rất lớn. Chẳng hạn hiện nay có đến 97% giao dịch là trên các kênh số, chỉ có 3% ở dưới chi nhánh các quầy.

ong-thang.png
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ban Công nghệ BIDV - Ảnh: TN

"Ứng dụng công nghệ giờ đã không còn là chiến lược nữa, mà đã là kế hoạch hành động. Tôi ví dụ cách đây 20 năm, lúc đó diễn ra cuộc cách mạng hiện đại hóa ngân hàng với làn sóng triển khai ATM, rất nhiều lo sợ rằng thiết bị máy móc sẽ thay thế con người. Lúc đó, mạng lưới ATM đã rộng khắp nhưng nhân sự ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng.

Đến năm 2015 - 2016, chuyển đổi số bắt đầu nóng lên, nhiều lo sợ hơn rằng nhân sự ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp nhưng thực tế thì tôi thấy lại ngày càng tăng. Còn hiện nay, thực sự trong dòng chảy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại đã thay đổi diện mạo BIDV nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Nhân sự tại các ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt nhân sự ở những khâu như thanh toán, chuyển tiền, thậm chí là các giao dịch liên quan đến vay đã được xử lý tự động toàn bộ", ông Thắng cho hay.

Nhiều ngân hàng khác cũng đã và đang tích cực chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Ngân hàng Techcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng sử dụng AI toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. Nhà băng này hiện sở hữu một trong những nền tảng AI tạo sinh (GenAI) hiện đại nhất ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí có thể là ở châu Á và toàn thế giới và sẽ hoàn tất vào giữa năm 2026.

Với VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc cho biết ngân hàng ứng dụng AI không chỉ đơn thuần là công nghệ, mà là công cụ tạo ra giá trị thực tiễn, tối ưu hóa trải nghiệm và tiết kiệm nguồn lực. Ngân hàng này hiện có công cụ trợ lý ảo nội bộ VietinBank Genie được xây dựng dựa trên nền tảng AI, giúp tiết kiệm 95% thời gian tìm kiếm thông tin cho nhân viên. Ngân hàng cũng đang thử nghiệm mô hình contact center ứng dụng AI, có khả năng thay thế tới 70% nhân sự vận hành.

Hay tại PVcomBank, AI được tích hợp sâu trong nhận diện, giao dịch hợp kênh và giám sát dịch vụ tự động. Trước đó, TPBank đã tiên phong ứng dụng RPA (robot tự động hóa quy trình), giúp rút ngắn 80 - 95% thời gian xử lý giao dịch và giảm tới 99% sai sót do thao tác thủ công.

Dễ nhận thấy những công việc mang tính chất lặp lại, thao tác đơn giản từ nhập liệu, xử lý hồ sơ, đến hỗ trợ mở tài khoản đang dần bị robot thay thế. Đặc biệt, các bộ phận hành chính, xử lý dữ liệu, kiểm soát viên tuyến giữa sẽ là những đối tượng đầu tiên bị tái cấu trúc.

Rộng cửa cho nhân sự công nghệ

Theo ông Thắng, khi dưới tác động công nghệ, quy mô "miếng bánh" sẽ lớn hơn rất nhiều lần khi chưa áp dụng công nghệ. Khi "miếng bánh" to hơn thì nhu cầu về lao động cũng mở rộng ngày càng lớn, nhưng đó là nhu cầu về nhân sự công nghệ chất lượng cao. Còn những công việc đơn giản như quản lý quỹ, quản lý tiền mặt... thì giờ đây đòi hỏi tư vấn cao hơn, trong đó chủ yếu là vẫn phải dùng đến công nghệ.

BIDV hiện đã chuyển dịch sang số hóa toàn diện, giao dịch không giấy tờ, sản phẩm tài chính trực tuyến. Theo đó, ông Thắng cho biết một số vị trí thủ công đã được thay thế bởi tự động hóa, nhưng nhu cầu nhân lực công nghệ lại tăng mạnh. Nhân viên truyền thống cần được tái đào tạo. Song, công nghệ lại giúp mở rộng khách hàng SME, tăng trưởng dịch vụ phi tín dụng, và cung cấp sản phẩm tài chính linh hoạt.

Trước làn sóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ thì nhân lực ngành ngân hàng bắt buộc phải thích ứng với biến động này. Về hướng giải quyết, ông Thắng cho biết ngân hàng cần tổ chức đào tạo chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào kỹ năng số, phân tích dữ liệu, vận hành AI. Bên cạnh đó là việc cơ cấu lại nhân sự với các trung tâm chuyên biệt: Innovation Lab, Analytics Hub. Cán bộ ngân hàng sẽ chuyển hướng trở thành chuyên gia tư vấn tài chính có hỗ trợ từ AI.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết ngân hàng đã thực hiện chiến lược số hóa từ sớm nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành với nguồn lực tinh gọn. Việc giảm nhân sự không phải là quyết định mang tính ngắn hạn mà nằm trong lộ trình phát triển dài hạn. Những bộ phận có tính chất công việc mang tính thủ công, lặp lại, hoặc có thể tự động hóa cao như vận hành, giao dịch tại quầy đã và đang được tinh giản.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng ngân hàng cắt giảm nhân sự nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dừng tuyển dụng. Bởi lẽ, ngân hàng vẫn cần nhiều nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực như: công nghệ, dữ liệu, AI, an ninh mạng và các vị trí chiến lược để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng số.

Đó không chỉ là mong muốn của riêng một ngân hàng, nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang có nhu cầu tuyển nhân sự công nghệ giỏi, nhưng điều này thực sự là một thách thức lớn. Một số ngân hàng, như Sacombank, cho biết đang tuyển nhân sự công nghệ chất lượng cao từ nhiều nguồn như là hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ.

Có thể thấy rằng ở một góc nhìn rộng hơn, AI, Blockchain hay Cloud... không làm mất đi việc làm, mà đang định hình lại toàn bộ thị trường lao động trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng vẫn cần một đội ngũ mới để vận hành, giám sát và phát triển các giải pháp công nghệ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        'Miếng bánh to' cho nhân sự công nghệ ngân hàng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO