Nhịp đập công nghệ

Mark Zuckerberg thoát ra tòa, Delaware nhẹ nhỏm sau vụ Elon Musk bị hủy gói đãi ngộ 56 tỉ USD

Sơn Vân 21/07/2025 22:04

Một thỏa thuận phút chót giữa các cổ đông của Meta Platforms với ban lãnh đạo công ty này vào tuần trước đã chấm dứt vụ kiện trị giá 8 tỉ USD, giúp Mark Zuckerberg tránh phải ra tòa làm chứng vì những cáo buộc vi phạm dữ liệu người dùng Facebook.

Thỏa thuận này cũng làm giảm áp lực với bang Delaware (Mỹ), nơi đang phải đối mặt với những chỉ trích từ các nhà lãnh đạo công nghệ và kinh doanh.

Ngày thứ hai của phiên tòa kéo dài 8 ngày tại Tòa án Tối cao Delaware sắp bắt đầu hôm 17.7 thì nhóm pháp lý đại diện cho nguyên đơn là các cổ đông Meta Platforms thông báo đã đạt được thỏa thuận để giải quyết vụ việc.

Các điều khoản cụ thể vẫn đang được đàm phán, nhưng thỏa thuận này đã khép lại một vụ kiện có khả năng thúc đẩy xu hướng những công ty rời bỏ Delaware như là trụ sở pháp lý của họ.

Mark Zuckerberg thoát ra tòa, Delaware nhẹ nhỏm sau vụ Elon Musk bị hủy gói đãi ngộ 56 tỉ USD
Mark Zuckerberg tránh ra làm chứng ở Tòa án Tối cao Delaware vì những cáo buộc vi phạm dữ liệu người dùng Facebook, sau khi các cổ đông và ban lãnh đạo Meta Platforms đạt thỏa thuận dàn xếp chấm dứt vụ kiện trị giá 8 tỉ USD - Ảnh: Reuters

Từ năm ngoái, Elon Musk và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác đã chỉ trích hệ thống tòa án ở bang Delaware (vốn từng là lý do chính khiến các công ty chọn đăng ký thành lập tại đây) vì những phán quyết mà họ cho là tạo điều kiện để cổ đông dễ dàng kiện giám đốc công ty.

Elon Musk đã kêu gọi các công ty rời khỏi Delaware. Trong năm qua, nhiều công ty đại chúng lớn như Dropbox, Trump Media & Technology, Roblox và Simon Property Group đã tái đăng ký hoạt động ngoài Delaware - một xu hướng được gọi là Dexit.

Cái tên Dexit được ghép từ Delaware và exit (rời đi), làm gợi nhớ đến thuật ngữ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Tòa án ở Delaware có thành kiến với các nhà sáng lập công ty?

Những nhà phê bình nói tòa án của bang Delaware có thành kiến với các nhà sáng lập công ty giữa bối cảnh nhạy cảm về vụ kiện Meta Platforms, khi 11 bị đơn gồm cả các tỷ phú như Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms), Sheryl Sandberg (cựu Giám đốc vận hành Meta Platforms), Marc Andreessen (đồng sáng quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz), Peter Thiel (đồng sáng lập Palantir Technologies) và Reed Hastings (đồng sáng lập Netflix).

Palantir Technologies là hãng công nghệ Mỹ chuyên phát triển phần mềm phân tích dữ liệu lớn, đặc biệt phục vụ cho các tổ chức chính phủ, cơ quan tình báo, quốc phòng và doanh nghiệp lớn.

Palantir Technologies được thành lập vào năm 2003 bởi Peter Thiel, Stephen Cohen, Joe Lonsdale và Alex Karp - hiện là giám đốc điều hành công ty.

Một phán quyết "tha bổng" các bị đơn có thể đã tạo ấn tượng rằng tòa án ở Delaware đã nhượng bộ áp lực đểhọ thoát tội. Trong khi một phán quyết có lợi cho nguyên đơn có khả năng làm dấy lên nhiều lời kêu gọi các công ty rút khỏi Delaware.

“Đó sẽ là tình thế rất khó xử cho tòa”, theo Giáo sư Ann Lipton thuộc Trường Luật Colorado (Mỹ).

Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, cùng các luật sư đại diện cho nhà đầu tư và bị đơn, đều không phản hồi khi hãng tin Reuters đề nghị bình luận.

Các cổ đông Meta Platforms từng cáo buộc những cựu lãnh đạo và giám đốc hiện tại ở Facebook phải chịu trách nhiệm vì đã không bảo vệ dữ liệu người dùng.

Nguyên đơn yêu cầu tòa buộc các bị đơn phải dùng tài sản cá nhân để hoàn trả 8 tỉ USD chi phí pháp lý mà Facebook đã phải bỏ ra để giải quyết các vụ vi phạm quyền riêng tư của người dùng, gồm cả khoản tiền phạt 5 tỉ USD nộp cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) năm 2019.

Vụ kiện đã làm nổi bật vai trò của tòa án Delaware và thẩm phán chủ trì vụ kiện là bà Kathaleen McCormick - từng nổi tiếng khi hủy bỏ gói lương thưởng 56 tỉ USD của Elon Musk tại Tesla năm ngoái. Tesla đang kháng cáo phán quyết này.

Những thay đổi pháp lý của Delaware nhằm giữ chân Meta Platforms và các hãngkhác

Làm tăng thêm tính nghiêm trọng của vụ việc, quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz của tỷ phú Marc Andreessen đã tuyên bố đầu tháng 7 này rằng sẽ chuyển nơi đăng ký thành lập công ty từ Delaware sang bang Nevada, đồng thời kêu gọi các hãng khác làm theo.

“Các tòa án ở Delaware đôi khi dường như có thành kiến với những nhà sáng lập hãng khởi nghiệp công nghệ và hội đồng quản trị của họ”, theo một bài đăng trên blog của Andreessen Horowitz, có dẫn lại phán quyết từ thẩm phán Kathaleen McCormick về việc hủy bỏ gói lương thưởng 56 tỉ USD của Elon Musk ở Tesla. Andreessen Horowitz không phản hồi khi Reuters đề nghị bình luận.

Đầu năm nay, đại diện Meta Platforms gặp ông Matt Meyer (Thống đốc bang Delaware) và không lâu sau đó bang này đã thay đổi luật doanh nghiệp phổ biến của mình, nhằm khiến việc các nhà đầu tư kiện hội đồng quản trị công ty vì những thỏa thuận với cổ đông kiểm soát như Mark Zuckerberg trở nên khó hơn.

Cổ đông kiểm soát là người (hoặc tổ chức) nắm giữ một tỷ lệ cổ phần đủ lớn trong công ty để có thể chi phối các quyết định quan trọng, dù không nhất thiết phải sở hữu phần lớn cổ phần.

Cổ đông kiểm soát có thể ảnh hưởng mạnh đến việc bầu chọn hội đồng quản trị, thông qua các thương vụ sáp nhập, chia tách, thay đổi điều lệ công ty,…

Ví dụ: Mark Zuckerberg chỉ sở hữu khoảng 13 - 14% cổ phần Meta Platforms, nhưng nhờ cấu trúc cổ phiếu hai loại (A và B) mà tỳ phú 40 tuổi người Mỹ nắm giữ khoảng 61% quyền biểu quyết, nên được xem là cổ đông kiểm soát.

Ông sở hữu một lượng lớn cổ phiếu loại B, vốn có quyền biểu quyết cao hơn (thường là 10 phiếu bầu trên mỗi cổ phiếu) so với cổ phiếu loại A (được giao dịch công khai, chỉ 1 phiếu bầu trên mỗi cổ phiếu).

Các nhà lãnh đạo chính trị tại Delaware cho biết những thay đổi này nhằm giữ chân Meta Platforms và những công ty khác ở lại bang. Delaware hiện thu về hơn 1/4 ngân sách từ các khoản phí liên quan đến việc cấp phép cho doanh nghiệp.

Dù có luật mới, một số công ty, gồm cả Affirm Holdings, vẫn quyết định rời khỏi Delaware, với lý do chưa rõ luật sẽ được các tòa án tại bang này diễn giải như thế nào.

Affirm Holdings là hãng công nghệ tài chính Mỹ, được biết đến rộng rãi với việc cung cấp dịch vụ "Mua trước, trả sau". Công ty được Max Levchin đồng sáng lập vào năm 2012. Max Levchin cũng là nhà đồng sáng lập PayPal.

Affirm Holdings hiện là công ty “Mua trước, trả sau” lớn nhất có trụ sở tại Mỹ.

Lawrence Cunningham, Giám đốc Weinberg Center for Corporate Governance, cho rằng thỏa thuận giữa cổ đông Meta Platforms và công ty này cho thấy thế mạnh của tòa án ở Delaware trong việc xử lý các vụ việc phức tạp và dẫn dắt chúng đến kết thúc hợp lý - điều có thể khó đạt được ở nơi khác.

“Đây là một kết cục tư pháp rất hợp lý và tránh được hệ lụy pháp lý kéo dài”, ông Lawrence Cunningham nói về vụ kiện.

Thuộc Trường Kinh doanh Alfred Lerner tại Đại học Delaware, Weinberg Center for Corporate Governance là trung tâm học thuật hàng đầu chuyên nghiên cứu, giáo dục và thảo luận về các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mark Zuckerberg thoát ra tòa, Delaware nhẹ nhỏm sau vụ Elon Musk bị hủy gói đãi ngộ 56 tỉ USD
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO