Công nghệ quân sự

Lục quân Mỹ tung video lần đầu thử drone thả lựu đạn

Sơn Vân 22/07/2025 11:34

Video mới cho thấy Lục quân Mỹ lần đầu thử nghiệm thả một quả lựu đạn thật từ drone (máy bay không người lái) xuống mục tiêu.

Các drone nhỏ đã được sử dụng để thả lựu đạn trong chiến đấu suốt nhiều năm, nhưng phương thức tác chiến này vẫn còn mới mẻ với Lục quân Mỹ. Ngày càng có sự thừa nhận rằng khả năng vận hành thành thạo các drone nhỏ có thể sẽ đóng vai trò then chốt trong các cuộc chiến tương lai. Các drone thả lựu đạn kiểu này đang xuất hiện phổ biến trong cuộc chiến ở Ukraine, khiến các trận giao tranh ác liệt nơi tiền tuyến trở nên tàn khốc hơn nữa.

Hôm 21.7, Lục quân Mỹ đã đăng tải video về thử nghiệm lần đầu thả lựu đạn thật từ chiếc drone nhỏ. Việc thử nghiệm diễn ra trong một cuộc tập trận ở Đức vào tháng trước. Video được Lục quân Mỹ chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các cảnh quay thử nghiệm, gồm cả quá trình binh sĩ gắn lựu đạn lên drone bốn cánh quạt cỡ nhỏ, điều khiển bay và thả lựu đạn xuống mục tiêu.

Các binh sĩ thuộc Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 278, Bộ Tư lệnh Huấn luyện Lục quân số 7, Lữ đoàn Dù 173 và Nhóm Huấn luyện Đa quốc gia - Ukraine đã trang bị cho chiếc drone Skydio X10D một quả lựu đạn M67. Drone này mang theo quả lựu đạn khi bay, sau đó thả xuống một mục tiêu hình ô tô bằng gỗ tại thao trường. Một số drone khác cũng có mặt để quan sát quá trình thử nghiệm.

luc-quan-tung-video-dau-tien-thu-drone-tha-luu-dan-my-muon-thong-tri-linh-vuc.webp
Cuộc thử nghiệm drone thả lựu đạn được Lục quân Mỹ tiến hành tại Khu huấn luyện Grafenwoehr ở Đức vào cuối tháng 6 - Ảnh: Collin Mackall

Thiết bị mới có tên Audible, do Bộ Tư lệnh Phát triển Năng lực Tác chiến phát triển, được gắn vào drone đó, có khả năng rút chốt lựu đạn và thả vũ khí xuống mục tiêu. Lục quân Mỹ cho biết các chương trình huấn luyện trong tương lai sẽ sử dụng công nghệ in 3D thiết bị này trên quy mô lớn.

Video này là ví dụ mới nhất về cách Lục quân Mỹ đang huấn luyện sử dụng các hệ thống bay không người lái và các năng lực liên quan, vốn đã trở thành ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và các khoản đầu tư ngày càng gia tăng vào công nghệ drone.

“Tạo tác động lan tỏa trong việc định hướng chiến lược phòng thủ toàn cầu”

Trong thông cáo báo chí đầu tháng 7, Lục quân Mỹ cho biết thử nghiệm thực địa ban đầu sẽ cung cấp phản hồi phục vụ cho các chương trình huấn luyện sau này.

“Dù đây chỉ là thử nghiệm ban đầu của một năng lực duy nhất, nhưng những bài học rút ra từ đây sẽ tạo tác động lan tỏa trong việc định hướng chiến lược phòng thủ toàn cầu và xây dựng mô hình phòng thủ mới ở sườn phía đông tăng cường khả năng răn đe”, Chuẩn tướng Steven Carpenter (lãnh đạo Bộ Tư lệnh Huấn luyện Lục quân số 7), tuyên bố. Ông nhắc đến một sáng kiến từ NATO nhằm tăng cường khả năng phòng thủ phía đông của liên minh này

Sườn phía đông ở đây ám chỉ các quốc gia Đông Âu giáp với Nga như Ba Lan, Romania, Estonia, Latvia, và Litva, nơi NATO tăng cường hiện diện quân sự để răn đe Nga sau cuộc chiến ở Ukraine.

NATO là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, liên minh quân sự và chính trị giữa các quốc gia ở Bắc Mỹ với châu Âu. Mục đích chính của NATO là bảo vệ tự do và an ninh cho các thành viên thông qua biện pháp chính trị và quân sự, với trọng tâm là phòng thủ tập thể.

Thử nghiệm này đánh dấu bước phát triển trong năng lực tác chiến của Lục quân Mỹ. Nhưng các lực lượng quân đội khác và tổ chức phi quốc gia đã sử dụng drone nhỏ để thả lựu đạn cùng vũ khí khác nhiều năm qua.

Vào giữa thập niên 2010, các lực lượng Mỹ và Iraq đã bắt đầu ghi nhận việc tổ chức khủng bố ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) sử dụng drone thương mại loại bốn cánh quạt cùng drone cánh cố định để mang vũ khí nhỏ, chẳng hạn lựu đạn.

Trong cuộc chiến đang diễn ra, lực lượng Ukraine đã dùng drone để thả vũ khí và lựu đạn lên xe tăng, phương tiện, binh sĩ và kho đạn của Nga. Ukraine còn nhồi chất nổ trong các drone góc nhìn thứ nhất và điều khiển lao thẳng vào mục tiêu.

Drone góc nhìn thứ nhất là loại được điều khiển bằng camera gắn trên thiết bị, giống đang ngồi trong buồng lái. Những drone này thường được sử dụng trong các đòn tấn công cảm tử vì lao thẳng vào mục tiêu và phát nổ.

Nga đã sử dụng drone bay qua các mục tiêu của Ukraine để thả chất nổ. Nhiều loại drone của cả Ukraine và Nga, với đủ mẫu mã và kích cỡ, có thể mang theo các loại vũ khí khác nhau để thả từ trên cao hoặc bay thẳng vào mục tiêu như một phương tiện tấn công cảm tử.

Bắt đầu dùng các drone Shahed do Iran cung cấp từ năm 2022 để tấn công Ukraine, Nga hiện đã chuyển sang tự sản xuất trong nước. Dù tốc độ chậm hơn tên lửa hành trình hoặc đạn đạo, loại vũ khí này rẻ hơn rất nhiều, cho phép Nga sản xuất số lượng lớn.

Một số đợt tấn công gần đây từ Nga đã sử dụng hàng trăm drone kết hợp với tên lửa, làm phức tạp gói tác chiến và gây khó khăn cho hệ thống phòng không của Ukraine.

Shahed là loại drone tấn công cảm tử do Iran thiết kế, nổi bật nhất là Shahed-136 và Shahed-131, có thể bay lượn trên không một thời gian trước khi lao vào mục tiêu và phát nổ lúc va chạm.

Nga trang bị đầu đạn nhiệt áp ngày càng lớn cho Shahed - Ảnh AFP
Nga trang bị đầu đạn nhiệt áp ngày càng lớn cho Shahed - Ảnh AFP

Theo Insider, binh sĩ và lực lượng cứu hộ Ukraine cho biết Nga đã triển khai các chiến thuật mới với Shahed (được gọi là Geran-2), thậm chí điều chỉnh thiết kế để tăng sát thương, chẳng hạn thay đầu đạn nổ thông thường bằng đầu đạn nhiệt áp.

Đạn nhiệt áp, còn gọi là "bom chân không", hoạt động bằng cách phát tán một đám mây khí dung chứa chất nổ và sau đó kích nổ nó, tạo ra quả cầu lửa khổng lồ cùng sóng xung kích phá hoại mạnh, đồng thời hút cạn oxy xung quanh.

Loại vũ khí hủy diệt và gây tranh cãi này tạo ra các vụ nổ với nhiệt độ cực cao, có thể lên đến hơn khoảng 2.200 độ C và kéo dài hơn các vụ nổ thông thường. Áp suất và sức nóng dữ dội có thể phá hủy các tòa nhà kiên cố, gây thương tích nghiêm trọng và tử vong, đặc biệt là trong không gian kín.

Ông Trump muốn Mỹ thống trị lĩnh vực drone

Quân đội Mỹ đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong nhiều năm qua với các năng lực không người lái, nhưng đang có một làn sóng thúc đẩy mạnh mẽ với drone cỡ nhỏ.

Ở một bản ghi nhớ gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã chỉ đạo lục quân đầu tư mạnh vào drone, với kế hoạch trang bị 1.000 chiếc cho mỗi sư đoàn trong vòng hai năm tới. Tuần trước, sau lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ cần thống trị lĩnh vực drone, ông Pete Hegseth đã chia sẻ các kế hoạch mới nhằm tăng cường kho vũ khí drone của Lầu Năm Góc.

Nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ drone trong chiến tranh hiện đại, chính quyền Trump đã ưu tiên thúc đẩy sản xuất loại drone để không tụt lại phía sau các đối thủ.

Giữa tháng 5, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đang phát triển một hệ thống drone mới và nhắc đến Shahed, bày tỏ sự quan tâm các thiết kế của Iran.

“Trong trường hợp của mình, Iran làm ra một loại drone rất tốt, giá chỉ 35.000, 40.000 USD. Chúng rất hiệu quả, nhanh và gây chết chóc. Thật khủng khiếp nếu nhìn vào những gì đang diễn ra với Nga và Ukraine. Drone đó đang giết chết rất nhiều người”, ông Trump nói về công nghệ drone của Iran trong cuộc họp với lãnh đạo doanh nghiệp tại Qatar.

Đầu tháng 6, ông Trump đã ký lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất drone của Mỹ. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thông báo nội bộ, tuyên bố hủy bỏ những “chính sách ràng buộc” được cho là đã cản trở việc sản xuất.

“Drone là phát minh lớn nhất trên chiến trường trong cả một thế hệ, và là nguyên nhân chính gây thương vong ở Ukraine năm nay. Các đối thủ của chúng ta đang cùng nhau sản xuất hàng triệu drone giá rẻ mỗi năm. Trong khi sản xuất drone quân sự toàn cầu bùng nổ 3 năm qua, chính quyền Biden lại trói buộc mọi thứ bằng thủ tục hành chính rườm rà. Các đơn vị Mỹ hiện chưa được trang bị đầy đủ những loại drone nhỏ gọn có tính sát thương cao, vốn cần thiết cho chiến trường hiện đại”, ông Pete Hegseth viết trong bản ghi nhớ.

Quân đội Mỹ hiện đã nhận ra rằng drone là điều không thể thiếu trong các cuộc chiến tương lai. Ví dụ, drone là thành phần then chốt trong sáng kiến cải tổ lực lượng của Lục quân Mỹ.

Thủy quân Lục chiến Mỹ đã thành lập đơn vị drone tấn công để phổ biến kinh nghiệm chiến trường từ Ukraine cho toàn lực lượng. Không quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển các loại máy bay chiến đấu hợp tác để hỗ trợ những tiêm kích tối tân nhất của họ.

Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu dùng các tàu không người lái để bổ sung cho hạm đội, đồng thời tập huấn để đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên, giống các lực lượng khác.

Các binh sĩ Mỹ đang được huấn luyện sử dụng drone nhỏ tại các khu vực như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thử nghiệm cách sử dụng hệ thống này như một loại vũ khí và nền tảng trinh sát, giám sát. Các hệ thống này đang ngày càng được quan tâm trên toàn quân, song song với năng lực chống drone để tiêu diệt thiết bị của đối phương.

Drone cảm tử mới của Mỹ giống vũ khí Nga dùng ở Ukraine

Một phiên bản Mỹ mô phỏng theo thiết kế Shahed của Iran gây chú ý khi xuất hiện tại khuôn viên Lầu Năm Góc tuần trước.

Ảnh chụp cho thấy chiếc drone mới này mang tên FLM 131, được giới thiệu trong tài liệu quảng bá là Hệ thống Tấn công Chiến đấu Không người lái Chi phí thấp (LUCAS), do công ty SpektreWorks (Mỹ) sản xuất. FLM 131 được trưng bày cùng nhiều nguyên mẫu drone khác trong sân khuôn viên Lầu Năm Góc, theo trang Insider.

SpektreWorks là công ty dịch vụ kỹ thuật của Mỹ có trụ sở tại thành phố Phoenix (bang Arizona), chuyên về phát triển và sản xuất các hệ thống không người lái. Điều này bao gồm các giải pháp tự lái và các thành phần liên quan cho drone.

Thiết kế của FLM 131 giống hệt Shahed - Ảnh: Insider
Thiết kế của FLM 131 giống hệt Shahed - Ảnh: Insider

Sự xuất hiện của FLM 131 diễn ra khi quân đội Mỹ đang muốn tăng mạnh sản lượng các loại drone giá rẻ, sử dụng linh kiện thương mại sẵn có, để bắt kịp với tốc độ thay đổi chóng mặt của chiến tranh hiện đại – ngày càng mang tính tự động và robot hóa.

Một tờ thông tin kèm theo trong ảnh từ Lầu Năm Góc cho biết chiếc drone mới kiểu Shahed này có thể hỗ trợ Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ bằng cách “mô phỏng mối đe dọa thực tế và mang lại chi phí vận hành, bảo trì thấp hơn nhiều so với hệ thống vũ khí hoặc máy bay truyền thống”.

“Điều đó khiến FLM 131 trở nên hấp dẫn với các lực lượng liên quân đang tìm kiếm giải pháp tấn công cảm tử giúp tăng năng lực mà không đội chi phí”, theo nội dung tài liệu.

FLM 131 là một trong 18 nguyên mẫu drone do Mỹ sản xuất được trưng bày tại Lầu Năm Góc tuần qua. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những mẫu drone này được phát triển trong khoảng thời gian 18 tháng, nhanh hơn nhiều so với chu kỳ phát triển thông thường kéo dài nhiều năm.

Thông tin về FLM 131 còn hạn chế, nhưng nó trông rất giống FLM 136 – sản phẩm có trong danh mục của SpektreWorks. FLM 136 dài gần 3m với sải cánh hơn 2,4m, có thể bay hành trình ở tốc độ 55 hải lý/giờ và đạt tối đa 100 hải lý/giờ, mang tải trọng tối đa 18 kg. SpektreWorks cho biết FLM 136 là “sản phẩm được đảo ngược thiết kế để mô phỏng mối đe dọa thực tế”.

Đảo ngược thiết kế là quá trình nghiên cứu sản phẩm có sẵn để tái tạo hoặc mô phỏng lại nó, thường khi không có bản thiết kế gốc. Trong quân sự, đây là chiến thuật phổ biến để bắt kịp hoặc đối phó công nghệ của đối thủ.

Các mẫu FLM có vẻ ngoài rất giống thân hình tam giác của Shahed do Iran thiết kế, với mép cánh thẳng và đầu tròn. Đáng chú ý là tên gọi biến thể 131/136 cũng được Iran sử dụng cho Shahed. Thiết kế được trình bày tại Lầu Năm Góc mang tính mô đun, với khả năng thay đổi các bộ phận cho các nhiệm vụ khác nhau như tấn công, trinh sát và liên lạc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lục quân Mỹ tung video lần đầu thử drone thả lựu đạn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO