Nhịp đập công nghệ

Làm gì để cứu ẩm thực đường phố?

Anh Tú 11/07/2025 09:49

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết: "70% điểm bán thức ăn đường phố khó truy xuất nguồn gốc". Điều này có thể hủy hoại ngành dịch vụ ẩm thực đường phố.

amthuc.jpeg
Ẩm thực đường phố Việt Nam đã vang danh thế giới - Ảnh minh họa

Tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hà Nội sáng 9.7 về an toàn thực phẩm, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến quản lý quán ăn đường phố, hàng rong. Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết toàn thành phố có gần 7.000 điểm kinh doanh đường phố, tập trung gần 600 trường học, trường đại học và bến xe, nhưng "trong đó 70% điểm bán thức ăn đường phố khó truy xuất nguồn gốc". Con số rất đáng giật mình và cho thấy tính cấp thiết trong việc triển khai công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh ẩm thực đường phố.

Ẩm thực đường phố - thương hiệu du lịch Việt

Trong những năm gần đây, ẩm thực đường phố đã trở thành một trong những điểm nhấn hấp dẫn nhất của du lịch Việt Nam. Từ tô phở nóng hổi nghi ngút khói, bánh mì giòn rụm với đủ loại nhân, đến bún chả thơm lừng hay những món chè ngọt ngào, mỗi góc phố, con hẻm ở Việt Nam đều ẩn chứa một "thiên đường ẩm thực" đang chờ được khám phá.

Các chuyên trang du lịch quốc tế uy tín như CNN, Lonely Planet, hay Condé Nast Traveler không ngừng ca ngợi ẩm thực đường phố Việt Nam, thậm chí còn xếp hạng Việt Nam vào tốp những điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới. Sự xuất hiện của các đầu bếp Michelin, các chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực đã càng làm tăng thêm sức hút, biến những gánh hàng rong, quán vỉa hè trở thành điểm đến "phải thử" đối với du khách.

Du khách quốc tế ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm ẩm thực địa phương và Việt Nam đã thành công trong việc đáp ứng nhu cầu này. Các tour ẩm thực đường phố đã trở thành sản phẩm du lịch "hot", thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Chính nhờ góp sức từ danh tiếng của ẩm thực đường phố, du lịch Việt Nam đang phát triển thành ngành mũi nhọn.

Thế nhưng tháng 9/2024, 33 du khách nước ngoài cùng hơn 100 du khách Việt bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An. Tháng 11, thêm hơn 300 khách ngộ độc do bánh mì ở Vũng Tàu. Các sự cố do thực phẩm đường phố gây ra không phải là nguy cơ, mà thực sự đã xảy ra không ít.

Chúng ta không thể ngồi yên và đặt niềm tin rằng mọi người bán hàng ẩm thực đều làm đúng quy trình. Thay vào đó, cần có sự quản lý đồng bộ để tạo ra một hệ sinh thái ẩm thực đường phố công bằng và an toàn.

Để phát triển bền vững ẩm thực đường phố và duy trì uy tín của điểm đến thân thiện, an toàn, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các nước có hệ thống quản lý hiệu quả ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore. Tại Hàn Quốc, chính phủ đã xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ cho các pojangmacha (lều bạt đường phố) với quy trình cấp phép rõ ràng, kiểm tra vệ sinh định kỳ và hỗ trợ đào tạo nghề cho người kinh doanh.

Singapore thì nổi tiếng với mô hình hawker center được quản lý bài bản, nơi các món ăn đường phố được tập trung tại những khu vực được thiết kế chuyên dụng với đầy đủ tiện ích, đảm bảo vệ sinh và trật tự đô thị. Hệ thống phân loại chất lượng thực phẩm bằng các cấp độ từ A đến D đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điểm chung là Hàn Quốc và Singapore đều kiểm soát ẩm thực đường phố tốt.

Công nghệ có thể cứu ẩm thực đường phố?

Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, đầu tư vào cơ sở hạ tầng phù hợp và tăng cường đào tạo cho người kinh doanh ẩm thực đường phố. Chỉ khi đó, ẩm thực đường phố mới thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững, vừa phục vụ du lịch vừa đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Nhưng để làm tất cả điều trên thì cần phải có nền tảng quản lý.

Trước đây, việc kiểm soát những người bán hàng tự phát như vậy rất khó khăn nhưng giờ thì mọi thứ có thể khi công nghệ thông tin phát triển. Ngay cả việc ngư dân lênh đênh trên mặt biển, chúng ta vẫn có đủ hạ tầng và khả năng để kiểm soát hoạt động của họ trong quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU. Hay hàng vạn tài xế công nghệ vẫn được các công ty trong nước quản lý từng cuốc xe, từng mét đường.

Do vậy, nếu có ứng dụng (app - application) dành cho ngành hàng ăn trên đường phố thì bài toán truy xuất nguồn gốc sẽ được giải dễ dàng hơn. Với app quản lý, người mua có thể quét QR ngay trên xe đẩy, trên gánh hàng rong để biết giá từng món, biết người bán là ai, ai có uy tín và không có chuyện chặt chém… Các cơ quan quản lý sẽ có thể kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, hay cả tiền thuế.

Tất nhiên, không phải cứ có app là mọi vấn đề về ẩm thực đường phố sẽ được giải quyết gọn gàng chỉ sau một đêm, mà còn cần nhiều yếu tố khác như cách vận hành quản lý, ý thức của người tham gia. Tuy nhiên, một ứng dụng quản lý sẽ giúp thông tin được thông suốt, khởi đầu cho việc quản lý khoa học và đồng thời giúp nâng cao ý thức của người bán hàng. Con đường dù xa vẫn phải có bước đi đầu tiên và dùng công nghệ số là sự lựa chọn có lẽ là tối ưu vào thời điểm này.

Gợi mở về một ứng dụng

Việc xây dựng một ứng dụng quản lý người bán hàng rong các loại đồ ăn, giống như các hãng xe công nghệ quản lý tài xế, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghệ, chính sách và thay đổi thói quen.

Một ứng dụng như vậy sẽ cần hai phiên bản chính: Ứng dụng dành cho người bán và Ứng dụng dành cho khách hàng, cùng với một hệ thống quản lý trung tâm cho đơn vị vận hành.

Ứng dụng dành cho người bán

Ứng dụng cho người bán sẽ gồm hồ sơ người bán, chức năng đăng ký, xác minh thông tin cá nhân/kinh doanh, giấy phép (nếu có); quản lý món ăn, cập nhật thực đơn, giá cả, ảnh món ăn, tình trạng còn/hết. Ứng dụng có thể tích hợp chức năng cho người bán tự cập nhật chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hoặc cho phép đơn vị quản lý đánh giá và xếp hạng công khai.

Ứng dụng này còn có thể cung cấp các tiện ích kinh doanh cho người bán, như cho phép người bán cập nhật vị trí hiện tại (đối với hàng rong di động) hoặc vị trí cố định của quán, nhận và quản lý đơn hàng, tích hợp thanh toán điện tử, nhận phản hồi của khách...

Cũng bằng ứng dụng, khách hàng có thể tìm kiếm và định vị người bán, xem các thông tin cần thiết về người bán hay quán ăn, tìm và đặt món ăn, thanh toán, đánh giá. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện được hầu hết nghiệp vụ quản lý với quyền quản lý trung tâm, từ duyệt hồ sơ đến quản lý trạng thái người bán, giám sát về chất lượng và vệ sinh, tích hợp các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi nhận và xử lý vi phạm, hỗ trợ khách hàng và người bán, đồng thời sẽ có đủ dữ liệu để phân tích phục vụ công tác quản lý (bao gồm cả phân tích xu hướng thị trường để khuyến cáo người bán hàng hướng kinh doanh tốt hơn).

Ứng dụng dù sao cũng chỉ là công cụ. Muốn giải pháp vận hành hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp khác, bao gồm:

Tiêu chuẩn hóa: Xây dựng bộ tiêu chí ATVSTP rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện cho người bán hàng rong. Có thể phân loại cấp độ (ví dụ: vàng, bạc, đồng) hoặc xếp hạng sao.

Đào tạo và cấp chứng nhận: Yêu cầu người bán tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về ATVSTP và có chứng nhận hợp lệ. Ứng dụng có thể tích hợp việc quản lý chứng nhận này.

Đội ngũ kiểm tra thực tế: Phải có một đội ngũ độc lập hoặc hợp tác với cơ quan chức năng để kiểm tra định kỳ/đột xuất các điểm bán. Kết quả kiểm tra được cập nhật trực tiếp lên ứng dụng, ảnh hưởng đến xếp hạng của người bán.

Cơ chế phản hồi mạnh mẽ: Khuyến khích khách hàng báo cáo các vấn đề vệ sinh. Ứng dụng phải có cơ chế tiếp nhận và xử lý nhanh chóng các phản hồi tiêu cực. Người bán có đánh giá vệ sinh thấp sẽ bị cảnh báo, tạm khóa hoặc loại bỏ khỏi nền tảng.

Truy xuất nguồn gốc: Khuyến khích, có thể tiến tới yêu cầu người bán cung cấp thông tin về nguồn gốc nguyên liệu (dù là hóa đơn mua hàng nhỏ).

Truyền thông và nâng cao nhận thức: Tuyên truyền cho cả người bán và khách hàng về lợi ích của việc sử dụng ứng dụng và tầm quan trọng của ATVSTP.

Với hướng đi này, ẩm thực đường phố Việt Nam không những có thể mang lại sự an toàn cho khách, mà còn có khả năng thăng hạng thành một ngành kinh doanh du lịch văn minh, đậm đà bản sắc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm gì để cứu ẩm thực đường phố?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO