Công nghệ quân sự

Không quân Mỹ thử nghiệm AI hỗ trợ tiêu diệt mục tiêu thần tốc, giảm tải cho chỉ huy

Sơn Vân 23/07/2025 18:06

Không quân Mỹ đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tốc các quyết định xác định mục tiêu trong một cuộc diễn tập gần đây.

Theo Không quân Mỹ, mục tiêu của việc này là kiểm tra xem AI có thể cải thiện độ chính xác và tính kịp thời trong phản ứng của các sĩ quan vận hành đến đâu, qua đó hướng tới một chuỗi tiêu diệt tự động hóa hơn ở một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai.

Chuỗi tiêu diệt là quy trình ra quyết định trong quân sự, hướng dẫn cách các lực lượng phát hiện mối đe dọa, khoanh vùng mục tiêu, hành động và đánh giá kết quả. Quân đội Mỹ đang tích cực phát triển chuỗi tiêu diệt này thông qua tự động hóa, AI, ra quyết định chỉ huy và kiểm soát dựa trên dữ liệu, cùng các công cụ cảm biến, giám sát và trinh sát có khả năng kết nối liên thông.

Không quân Mỹ thử nghiệm AI hỗ trợ tiêu diệt mục tiêu thần tốc, giảm tải cho chỉ huy
Cuộc diễn tập chứng kiến các nhà điều hành sử dụng AI để tăng tốc độ thu thập và ra quyết định nhắm mục tiêu - Ảnh: Jennifer Nesbitt

Cuộc diễn tập kéo dài bốn ngày, mang tên Experiment 3, là bài kiểm tra sức chịu đựng của các công nghệ và chiến thuật tác chiến tương lai trong một bối cảnh chiến đấu thực tế.

“Bằng cách tái tạo phương pháp luận mới này, chúng tôi cho phép các lực lượng ở cấp chiến thuật khám phá cách công cụ và quy trình làm việc có thể định hình việc thực thi chuỗi tiêu diệt cho tương lai tác chiến”, Trung tá Wesley Schultz, Giám đốc tác chiến của Phi đội Huấn luyện Chiến đấu 805/Trung tâm Tác chiến Bóng tối Nellis, cho biết.

Cấp chiến thuật là cấp độ tác chiến trực tiếp trên chiến trường, liên quan đến đơn vị nhỏ như tiểu đoàn, đại đội, trung đội hoặc từng nhóm chiến đấu. Đây là nơi các quyết định chiến đấu cụ thể được đưa ra và thực hiện, thường trong thời gian ngắn và không gian hẹp.

Giảm tải suy nghĩ cho chỉ huy

Trong cuộc huấn luyện, các sĩ quan vận hành đã sử dụng phần mềm AI để tăng tốc quá trình ra quyết định và xác định mục tiêu. Theo bản thông cáo của Không quân Mỹ, AI được thiết kế để rút ngắn các quy trình đó và giảm tải suy nghĩ cho con người.

Việc giảm tải suy nghĩ cho các chỉ huy đã trở thành một ưu tiên, đặc biệt là trong những năm gần đây với sự phát triển của AI. Các nhà lãnh đạo và quan chức quân đội Mỹ tin rằng AI có thể hỗ trợ con người đánh giá lượng lớn dữ liệu chiến trường để giúp đưa ra quyết định rõ ràng hơn một cách nhanh chóng.

So sánh quyết định của sĩ quan và AI

AI được sử dụng trong cuộc thử nghiệm này được phát triển theo chương trình Maven Smart System - sáng kiến AI quy mô lớn của Quân đội Mỹ. Trong quá trình thử nghiệm, các đánh giá chỉ do sĩ quan chỉ đạo đã được so sánh với các đánh giá được thực hiện với các khuyến nghị từ AI.

Việc thử nghiệm nhằm khám phá giá trị của mô hình hợp tác người và máy móc. “Sự khác biệt giữa các khuyến nghị do AI tạo ra và quyết định từ sĩ quan cho thấy những điểm mạnh bổ trợ của con người, chẳng hạn trực giác, kinh nghiệm và nhận thức tình huống, trong các tình huống xác định mục tiêu nhạy cảm về thời gian”, Không quân Mỹ cho biết.

Những phản hồi từ cuộc diễn tập, cũng như việc quan sát cách AI vận hành, sau đó đã được dùng để tinh chỉnh các hệ thống và quy trình. Cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ - Frank Kendall từng phát biểu đầu năm nay rằng chiến tranh tương lai sẽ “tự động hóa cao, tự chủ cao, hành động từ xa, chính xác” và không gian sẽ là “chiến trường mang tính quyết định”, đồng thời nhấn mạnh rằng “thời gian phản ứng để tạo ra hiệu quả sẽ cực kỳ ngắn”.

“Chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà các quyết định không còn được đưa ra ở tốc độ con người, mà sẽ được thực hiện với tốc độ của máy móc”, Frank Kendall nói.

Ông cũng từng lập luận rằng việc làm chủ các giải pháp AI có thể là yếu tố then chốt để giành chiến thắng trong cuộc chiến lớn tiếp theo.

Các lực lượng vũ trang Mỹ đã tiến hành nhiều thử nghiệm về cách sử dụng AI để tăng tốc quá trình ra quyết định. Không quân Mỹ đang nghiên cứu kết hợp công nghệ này với các hệ thống không người lái và drone, chẳng hạn máy bay chiến đấu phối hợp. Lực lượng này thậm chí đã để thuật toán AI điều khiển máy bay chiến đấu và đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu cách AI có thể tăng cường năng lực của phi công.

khong-quan-my-thu-nghiem-ai-ho-tro-tieu-diet-muc-tieu-than-toc-giam-tai-cho-chi-huy.jpg
Không quân Mỹ nghiên cứu máy bay không người lái có thể di chuyển cùng với loại có người lái hoặc độc lập - Ảnh: Richard Gonzales

AI cũng có thể thực hiện các công việc hậu cần trong quân đội, chẳng hạn cải thiện chức năng tìm kiếm để phân tích học thuyết của Bộ Quốc phòng, hiểu rõ các yếu tố liên quan đến vị trí cụ thể, mệnh lệnh hoặc chức vụ, xử lý giấy tờ và báo cáo tình huống.

Việc AI ngày càng được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự đã vấp phải sự hoài nghi và lo ngại về đạo đức từ các chuyên gia và quan chức, đặc biệt liên quan đến việc triển khai trong các tình huống chiến đấu. Lầu Năm Góc vẫn duy trì lập trường rằng chính sách AI của họ sẽ đảm bảo con người ra quyết định cuối cùng, dù một số ý kiến cho rằng điều này có thể không khả thi trong một cuộc chiến tương lai diễn ra ở tốc độ cao và phụ thuộc vào dữ liệu.

Những người khác đã lưu ý rằng công nghệ có thể phát triển nhanh hơn tốc độ mà Mỹ hoặc Lầu Năm Góc kiểm soát nó. Trong các thử nghiệm gần đây của Không quân Mỹ, con người vẫn được giữ trong vòng ra quyết định. AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không tự động săn lùng mục tiêu một cách độc lập.

Lầu Năm Góc công bố cảnh quay về phi công chiến đấu máy bay do AI điều khiển hồi tháng 4.2024

Maven Smart System (thường được gọi tắt là Project Maven) là công cụ AI then chốt của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để hiện đại hóa các hoạt động tác chiến, đặc biệt là trong việc nhắm mục tiêu và hỗ trợ hậu cần, bằng cách tích hợp AI và học máy.

Maven Smart System ra đời năm 2017 với mục tiêu chính là giảm tải gánh nặng cho các nhà phân tích trong việc xử lý lượng lớn dữ liệu giám sát từ UAV và các nguồn khác.

Các điểm nổi bật của Maven Smart System

Xử lý và phân tích dữ liệu: Maven Smart System thu thập và xử lý một lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, gồm hình ảnh vệ tinh, video chuyển động đầy đủ từ UAV, dữ liệu địa lý, cảm biến hồng ngoại và radar khẩu độ tổng hợp.

Nhận diện và phân loại mục tiêu: Sử dụng các thuật toán AI và học máy, hệ thống có khả năng tự động nhận diện, phân loại các đối tượng quan tâm như xe tăng, xe tải, hệ thống radar và các cơ sở quân sự với độ chính xác cao.

Tăng tốc chuỗi tiêu diệt: Mục tiêu cốt lõi của Maven Smart System là đẩy nhanh quá trình ra quyết định trong quân sự. Bằng cách tự động hóa việc xác định và phân tích mục tiêu, Maven Smart System giúp giảm đáng kể thời gian từ khi phát hiện mối đe dọa đến lúc hành động và đánh giá kết quả. Trong một số cuộc tập trận, Maven Smart System đã giúp giảm thời gian truyền dữ liệu nhắm mục tiêu từ 12 giờ xuống dưới một phút.

Giảm tải suy nghĩ cho con người: Hệ thống này được thiết kế để giảm bớt công việc nhận thức và gánh nặng tinh thần cho các nhà điều hành, cho phép họ tập trung vào các quyết định phức tạp hơn.

Hỗ trợ ra quyết định: Maven Smart System không chỉ xác định mục tiêu mà còn có thể đề xuất các chiến lược tối ưu để tấn công. Tuy nhiên, quan trọng là con người vẫn luôn trong vòng lặp để xác nhận các đề xuất của AI trước khi thực hiện tấn công.

Ứng dụng đa dạng: Ban đầu tập trung vào việc nhận diện mục tiêu, Maven Smart System đang được mở rộng ứng dụng sang các lĩnh vực khác như hậu cần quân sự (quản lý chuỗi cung ứng, dự đoán nhu cầu tiếp tế) và nâng cao nhận thức tình huống trên chiến trường.

Tính linh hoạt và khả năng tương tác: Maven Smart System được thiết kế để tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, ngay cả những nguồn không phải là một phần của thiết kế phần mềm ban đầu. Nó cũng cho phép truy cập dữ liệu tùy chỉnh, phục vụ các cấp bậc và vai trò khác nhau trong hệ thống quân sự.

Ứng dụng thực tế

Maven Smart System đã được sử dụng trong các cuộc tập trận thực địa (chẳng hạn chuỗi tập trận Scarlet Dragon) và cả trong các hoạt động thực tế. Ví dụ, nó đã được triển khai để hiển thị tình hình tại Kabul (thủ đô của Afghanistan) trong đợt không vận năm 2021, cung cấp vị trí thiết bị của Nga cho lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột năm 2022 và được dùng để thu hẹp mục tiêu cho các cuộc không kích ở Iraq, Syria vào tháng 2.2024.

Ngoài ra, Maven Smart System đã được thử nghiệm, sử dụng trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga với Ukraine.

Mỹ đã sử dụng Project Maven và hệ thống vệ tinh để cung cấp vị trí các thiết bị của Nga cho lực lượng Ukraine. Điều này giúp Ukraine có được thông tin tình báo quan trọng về các hoạt động của quân Nga.

Cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một "bãi thử" quan trọng cho các công nghệ quân sự mới của Mỹ, gồm cả Maven Smart System, giúp Lầu Năm Góc đánh giá những điểm mạnh và yếu của hệ thống AI này trong kịch bản xung đột cường độ cao, thay đổi nhanh chóng.

Dù giúp Ukraine nhắm mục tiêu hiệu quả hơn, Maven Smart System cũng gặp phải những hạn chế khi xử lý dữ liệu động trong một môi trường chiến trường phức tạp với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt (như tuyết, mây che phủ) hoặc khi phải nhận diện các loại mục tiêu mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không quân Mỹ thử nghiệm AI hỗ trợ tiêu diệt mục tiêu thần tốc, giảm tải cho chỉ huy
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO