Nga vừa bàn giao chiếc khinh hạm lớp Talwar thứ 8 cho hải quân Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Quốc tế

Khinh hạm lớp Talwar cuối cùng do Nga chế tạo cho Ấn Độ có gì đặc biệt?

Hoàng Vũ 16:12 04/07/2025

Nga vừa bàn giao chiếc khinh hạm lớp Talwar thứ 8 cho hải quân Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Theo tạp chí National Interest, chiếc tàu chiến mang tên INS Tamal đã chính thức được chuyển giao trong một buổi lễ diễn ra ngày 1.7 tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách biệt của Nga nằm bên bờ biển Baltic.

tau-hai-quan-an-do.png
Tàu hộ vệ INS Tabar lớp Talwar (F44) của hải quân Ấn Độ - Ảnh: National Interest

Đây là tàu chiến thứ 5 dành cho Ấn Độ được đóng tại xưởng Yantar, vốn có lịch sử từ thế kỷ 19 khi còn là một phần của công ty đóng tàu Schichau-Werke của Đức.

INS Tamal, khinh hạm mới nhất của hải quân Ấn Độ, được bàn giao từ Nga trong khuôn khổ dự án 11356, đồng thời là chiếc cuối cùng do xưởng đóng tàu Yantar chế tạo. Việc tiếp nhận con tàu đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong chiến lược quốc phòng của New Delhi, khi nước này đẩy mạnh nội địa hóa theo sáng kiến “Aatmanirbhar Bharat”.

Tàu dài 125 mét, lượng giãn nước 3.900 tấn, tích hợp 26% linh kiện sản xuất trong nước, bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos và sonar Humsa-NG. INS Tamal được trang bị pháo A-190 cỡ 100mm, hệ thống phòng không Shtil-1, ngư lôi chống ngầm và công nghệ chiến tranh điện tử hiện đại. Tốc độ tối đa trên 30 hải lý/giờ cùng khả năng triển khai trực thăng Kamov giúp tàu có thể tác chiến hiệu quả trong nhiều môi trường: trên không, mặt biển, dưới nước và không gian điện tử.

Việc đóng INS Tamal cũng khép lại giai đoạn chế tạo khinh hạm lớp Talwar tại Nga. Hai chiếc còn lại trong loạt tàu sẽ do Goa Shipyard Limited của Ấn Độ đảm trách, với sự chuyển giao kỹ thuật từ đối tác Nga. Tên gọi “Tamal”, nghĩa là “Thanh kiếm của thần Indra”, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn nhấn mạnh vai trò của con tàu trong mối quan hệ quốc phòng chiến lược giữa hai quốc gia.

Phát biểu về chương trình, Tổng giám đốc điều hành USC, ông Andrey Puckhov, cho biết: "Kinh nghiệm và năng lực của chúng tôi trong lĩnh vực thiết kế và đóng tàu chiến được nhiều quốc gia quan tâm. USC sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế”.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Rosoboronexport - cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga, ông Alexander Mikheyev, nhấn mạnh công ty đang phát triển các mối quan hệ đối tác sâu rộng với chính phủ và khu vực tư nhân Ấn Độ nhằm thúc đẩy sản xuất quốc phòng chung, với hơn 50 dự án đang được thảo luận.

Ngoài Dự án 11356, hải quân Ấn Độ hiện còn vận hành 3 trong số 5 tàu khu trục lớp Kashin thuộc Dự án 61, được Liên Xô chế tạo vào những năm 1970 - 1980. Lực lượng hải quân nước này cũng đang khai thác tàu sân bay INS Vikramaditya, nguyên là tàu sân bay Baku của Liên Xô. Dù đã lạc hậu và gặp một số sự cố kỹ thuật trong quá trình hoạt động, tàu này vẫn giữ vai trò là soái hạm và là một phần quan trọng trong năng lực tác chiến của hải quân Ấn Độ.

Trước khi mở rộng hợp tác với Liên Xô và Nga, hải quân Ấn Độ từng sử dụng nhiều tàu chiến do Anh sản xuất, trong đó có chiếc INS Vikrant, tàu sân bay đầu tiên của nước này. Vikrant vốn là tàu lớp Majestic được đặt đóng cho hải quân Anh trong Thế chiến thứ 2 với tên gọi HMS Hercules, sau đó được Ấn Độ mua lại vào năm 1957 và cải tiến thành tàu sân bay phục vụ cho đến cuối thế kỷ 20.

Việc bàn giao INS Tamal đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga, đồng thời phản ánh chiến lược của New Delhi trong việc hiện đại hóa lực lượng hải quân với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác quốc tế.

Bài liên quan
Bloomberg: Foxconn rút hơn 300 nhân viên Trung Quốc khỏi Ấn Độ, dây chuyền lắp ráp iPhone 17 bị ảnh hưởng
Foxconn đã yêu cầu hàng trăm kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc trở về nước từ các nhà máy iPhone ở Ấn Độ, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực thúc đẩy sản xuất của Apple tại quốc gia Nam Á này, trang Bloomberg đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Nhân lực công nghệ nội địa là chìa khóa của "Make in Vietnam"
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Để thực hiện chiến lược "Make in Vietnam", nhân lực công nghệ trong nước có vai trò đặc biệt quan trọng và cần giải pháp để lực lượng này không chỉ là người thực thi, mà còn là người sáng tạo, dẫn dắt công nghệ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khinh hạm lớp Talwar cuối cùng do Nga chế tạo cho Ấn Độ có gì đặc biệt?