Kinh tế 4.0

Jensen Huang vượt Elon Musk, Tim Cook về tầm ảnh hưởng ở Mỹ

Sơn Vân 23/07/2025 06:35

Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Donald Trump đầu tiên, Tim Cook ra sức lấy lòng Tổng thống Mỹ khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Nhờ đó, Apple tránh được các mức thuế quan của Mỹ và duy trì đà tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc, trong khi Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple - được ca ngợi là nhà điều hành khéo léo về chính sách và là đặc phái viên kinh doanh nổi bật của Mỹ tại cường quốc châu Á.

Thế nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai ông Trump làm Tổng thống Mỹ, Apple không chỉ bị Nvidia chiếm mất danh hiệu công ty giá trị nhất thế giới mà còn chứng kiến Tim Cook bị tụt lại phía sau Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) về tầm ảnh hưởng chính trị, theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ. Hiện Nvidia có vốn hóa thị trường là 4.100 tỉ USD, còn Apple chỉ còn 3.190 tỉ USD.

“Jensen Huang đã trở thành một nhân vật toàn cầu và đảm nhận vai trò chính trị mới nhờ thành công trong cuộc cách mạng AI”, chuyên gia phân tích Dan Ives thuộc công ty Wedbush Securities nhận định, đồng thời cho rằng tầm quan trọng của chip AI do Nvidia cung cấp đã “đưa ông vượt qua Tim Cook”.

“Jensen Huang đang ở vị thế rất mạnh để điều hướng bối cảnh chính trị, vì hiện chỉ có một loại chip đang dẫn dắt cuộc cách mạng AI, đó là chip của Nvidia”, Dan Ives cho hay.

Tầm ảnh hưởng chính trị của Jensen Huang chưa bao giờ rõ ràng hơn thế. Trong chuyến thăm Trung Quốc của tỷ phú 63 tuổi người Mỹ tuần trước, Nvidia thông báo kỳ vọng sẽ sớm nối lại việc bán chip AI H20 cho Trung Quốc.

Hãng chip AI số 1 thế giới cho hay: “Chính phủ Mỹ đã đảm bảo với Nvidia rằng giấy phép sẽ được cấp và Nvidia hy vọng sớm bắt đầu giao hàng”.

H20 là phiên bản chip AI cao cấp nhất được Nvidia bán tại thị trường Trung Quốc theo quy định xuất khẩu của chính phủ Mỹ. Đây là phiên bản điều chỉnh dựa trên kiến trúc Hopper (liên quan đến Nvidia H100 và H800 ở thị trường quốc tế), nhưng bị giới hạn về hiệu năng để tuân thủ lệnh cấm từ Mỹ.

Jensen Huang vượt Elon Musk, Tim Cook trong cuộc chiến giành tầm ảnh hưởng ở Mỹ
Tổng thống Trump lắng nghe ông Jensen Huang phát biểu tại Nhà Trắng trong sự kiện “Đầu tư vào Mỹ” cuối tháng 4 - Ảnh: Getty Images

“Tuần lễ lịch sử” của Jensen Huang

Hồi tháng 4, chính quyền Trump hạn chế xuất khẩu H20 sang Trung Quốc - động thái mà chính Jensen Huang công khai phản đối.

“Đây là một chiến thắng mang tính lịch sử với Nvidia và Jensen Huang. Tôi nghĩ điều này cho thấy ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn của Jensen Huang trong chính quyền Trump”, Dan Ives bình luận.

Trước chuyến đi Trung Quốc, Giám đốc điều hành Nvidia đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng. Việc đảo ngược chính sách với H20 được cho là có liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói với hãng tin CNBC rằng chiến dịch vận động hành lang của Jensen Huang đã đóng vai trò lớn trong quyết định này.

Giám đốc điều hành Nvidia đã nhiều lần gặp ông Trump trong năm nay, gồm cả việc cùng Tổng thống Mỹ đến Trung Đông hồi tháng 5. Chuyến đi này dẫn đến những thương vụ lớn, theo đó hàng trăm nghìn chip AI tiên tiến của Nvidia sẽ được bán cho UAE và Ả Rập Saudi.

Thỏa thuận đó được xem là một cách để Mỹ củng cố vị thế lãnh đạo công nghệ toàn cầu, khẳng định hệ sinh thái công nghệ Mỹ tại thị trường mới trước các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc với Huawei là "lá cờ đầu".

Sau chuyến đi Trung Đông, Jensen Huang ngày càng lên tiếng phản đối các hạn chế xuất khẩu chip từ Mỹ, lập luận rằng các lệnh cấm này sẽ làm xói mòn vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ và vô tình tạo điều kiện cho các hãng Trung Quốc tự lực để vươn lên.

Theo báo New York Times, đây cũng là lập luận mà Jensen Huang đã tích cực truyền đạt đến ông Trump và các quan chức trong hậu trường.

Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chính sách công nghệ tại công ty tư vấn chiến lược DGA-Albright Stonebridge Group, nói rằng lập luận của Jensen Huang trùng khớp với quan điểm của David Sacks, nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực AI và tiền mã hóa tại Nhà Trắng. Điều này càng góp phần thuyết phục chính quyền Trump nới lỏng các hạn chế với chip H20.

“David Sacks và Jensen Huang đều cho rằng việc hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ, chẳng hạn các GPU (bộ xử lý đồ họa) chọn lọc và không tiên tiến, sang Trung Quốc sẽ khiến các công ty nước này quay sang dùng hàng nội địa... Cuối cùng, chính lập luận này có thể đã là yếu tố then chốt trong vấn đề về H20”, Paul Triolo nhận định.

Ông nói thêm: “Hiện chưa rõ Nvidia có khởi động lại dây chuyền sản xuất chip H20 hay không, nhưng nếu chỉ đơn giản là bán hết lượng hàng tồn kho hiện tại, công ty vẫn sẽ có một cú huých lớn về doanh thu và giữ được thiện chí với khách hàng tại Trung Quốc”. Nvidia từng ghi nhận khoản lỗ 4,5 tỉ USD liên quan đến hàng tồn kho H20 chưa bán được trong tháng 5.

Tuần trước, Jensen Huang tuyên bố rằng mọi mô hình AI dân sự nên chạy trên hệ sinh thái công nghệ của Mỹ, “khuyến khích các quốc gia trên thế giới chọn nước Mỹ”, trong bối cảnh Nvidia thông báo sẽ sớm nối lại việc bán H20 sang Trung Quốc.

Không phải Elon Musk, cũng không phải Tim Cook

Khi ông Trump đắc cử cử nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2024, nhiều người kỳ vọng một giám đốc điều hành công nghệ khác sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến chính quyền và đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ với Trung Quốc. Thế nhưng, mối quan hệ giữa Elon Musk và ông Trump đã rạn nứt sau khi Giám đốc điều hành Tesla rời vị trí lãnh đạo Ban Hiệu quả Chính phủ hồi cuối tháng 5.

Hồi tháng 11.2024, các chuyên gia nói rằng mối quan hệ thân thiết giữa Elon Musk với ông Trump cùng các lợi ích kinh doanh của Giám đốc điều hành Tesla tại Trung Quốc có thể giúp giảm bớt lập trường thương mại cứng rắn từ Tổng thống Mỹ với cường quốc châu Á, dù vẫn cảnh báo không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào tỷ phú giàu nhất thế giới.

Trong khi đó, Tim Cook đang đối mặt với nhiều phản ứng gay gắt từ chính quyền Trump 2.0.

Tháng 5, ông Trump thừa nhận có “một chút vấn đề với Tim Cook” liên quan đến việc Apple chuyển sản xuất thiết bị sang Ấn Độ, bất chấp việc công ty từng cam kết đầu tư 500 tỉ USD vào Mỹ hồi tháng 2.

Đáp lại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây, Apple đã đẩy nhanh việc chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc bằng cách tăng cường sản xuất iPhone tại Ấn Độ.

Đầu tháng 7 này, Peter Navarro (cố vấn cho Tổng thống Trump) cũng chỉ trích Tim Cook, cho rằng Apple chưa chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc đủ nhanh.

apple-dau-tu-500-ti-usd-vao-my-de-tao-20.000-viec-lam-nghien-cuu-ong-trump-cam-on-tim-cook.jpg
Mối quan hệ giữa Tim Cook (trái) và ông Trump không còn tốt đẹp như xưa - Ảnh: Getty Images

Apple với Tim Cook từng được xem là công ty và CEO có ảnh hưởng lớn nhất trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên, nhưng hiện tại vị trí đó đã thuộc về Jensen Huang và Nvidia, theo Ray Wang – Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu Constellation Research tại Thung lũng Silicon.

“Hầu như mọi thứ hiện nay đều phụ thuộc vào chip của Nvidia”, Ray Wang nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều rủi ro

Dù đến thời điểm hiện tại, Jensen Huang có thể “khá khéo léo cân bằng giữa chính phủ Mỹ với thị trường Trung Quốc” và “Tổng thống Trump có vẻ là một người rất ủng hộ ông ấy”, nhưng vẫn chưa rõ chính quyền sẽ đặt ra giới hạn nào với các lệnh hạn chế chip, theo chuyên gia Paul Triolo.

Ông nói: “Các mục tiêu trong vấn đề này đã nhiều lần bị thay đổi, dẫn đến việc các công ty phải tốn kém để thiết kế lại sản phẩm và điều chỉnh lại năng lực sản xuất”.

Dù ảnh hưởng của Jensen Huang trong giới công nghệ và với chính quyền Trump đang gia tăng, các chuyên gia khác cho rằng không có gì đảm bảo điều đó sẽ kéo dài.

“Hiện tại, Nvidia đã chuyển từ mục tiêu chính của các biện pháp kiểm soát chip thành hãng có ảnh hưởng hàng đầu. Câu hỏi là: Khoảnh khắc đó sẽ kéo dài bao lâu?”, Reva Goujon, Giám đốc tại Rhodium Group, đặt vấn đề.

Rhodium Group (Mỹ) là nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu độc lập, chuyên kết hợp chuyên môn về chính sách và phân tích dựa trên dữ liệu để giúp các nhà ra quyết định giải quyết những thách thức toàn cầu.

Mỹ cũng đang tiến hành cuộc điều tra về ngành công nghiệp bán dẫn, có thể dẫn đến việc áp thuế trên toàn ngành - động thái đặt mục tiêu từ chính quyền Trump vào thế đối đầu với lợi ích kinh doanh của Nvidia. Dù Nvidia đang chuyển nhiều hoạt động sản xuất chip AI về Mỹ hơn, phần lớn sản lượng vẫn ở Đài Loan. Trong đó, TSMC (Đài Loan), đối tác lớn của Nvidia và Apple, là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới.

Câu chuyện của Tim Cook có thể là bài học về sự phức tạp khi điều hành một hãng công nghệ lớn coi cả Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường then chốt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Jensen Huang vượt Elon Musk, Tim Cook về tầm ảnh hưởng ở Mỹ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO