Hé lộ nguyên nhân vụ rơi máy bay ở Ấn Độ khiến phi công 3 lần hô 'MAYDAY'
Báo cáo sơ bộ đã phát hiện ra rằng việc cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu cho động cơ đã gây ra vụ tai nạn máy bay Air India vào tháng trước, khiến 260 người thiệt mạng.

Chiếc máy bay chuẩn bị đến London vừa cất cánh khỏi đường băng tại sân bay Ahmedabad thì bất ngờ lao xuống đất. Trừ một hành khách, phần còn lại trên máy bay đều thiệt mạng.
Dữ liệu hộp đen hé lộ giây phút cuối
Theo báo cáo của Cục Điều tra Tai nạn Máy bay Ấn Độ, được CNN trích dẫn, các công tắc điều khiển nhiên liệu trong buồng lái của chiếc Boeing 787 Dreamliner đã bị gạt, khiến động cơ không có nhiên liệu.
Các nhà điều tra đã trích xuất dữ liệu từ các thiết bị ghi "hộp đen" của máy bay, bao gồm 49 giờ dữ liệu chuyến bay và hai giờ ghi âm buồng lái, trong đó có đoạn ghi âm tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Máy bay đã đạt tốc độ 180 dặm/giờ (333 km/giờ là tốc độ hợp lý và phù hợp để cất cánh với máy bay này trong điều kiện bình thường) khi cả hai công tắc ngắt nhiên liệu của động cơ "được chuyển từ vị trí RUN sang CUTOFF liên tiếp, với khoảng thời gian 01 giây".
Báo cáo ghi rõ: "Trong đoạn ghi âm giọng nói trong buồng lái, một trong các phi công được nghe thấy đang hỏi người kia tại sao lại ngắt. Phi công kia trả lời rằng anh ta không làm như vậy".
Ngay sau đó, các công tắc được gạt trở lại vị trí ban đầu và các động cơ đang trong quá trình khởi động lại khi vụ tai nạn xảy ra.
Cơ chế công tắc nhiên liệu và các dấu hiệu bất thường
Trên máy bay 787, công tắc ngắt nhiên liệu nằm giữa hai ghế phi công, ngay phía sau cần ga của máy bay. Chúng được bảo vệ ở hai bên bằng một thanh kim loại và có cơ chế khóa được thiết kế để ngăn chặn việc ngắt nhiên liệu ngẫu nhiên.

Camera sân bay cho thấy Ram Air Turbine, một nguồn điện khẩn cấp trên máy bay, đã được triển khai trong quá trình máy bay bắt đầu lấy độ cao sau khi cất cánh. Máy bay bắt đầu mất độ cao trước khi vượt qua ranh giới sân bay.
Báo cáo nêu rõ: "Khi các công tắc điều khiển nhiên liệu được chuyển từ CUTOFF sang RUN trong khi máy bay đang bay, mỗi hệ thống điều khiển động cơ kép tự động quản lý một trình tự khởi động lại và phục hồi lực đẩy của việc đánh lửa và cung cấp nhiên liệu".
Vài giây sau khi động cơ cố gắng khởi động lại, một phi công đã kêu lên "MAYDAY MAYDAY MAYDAY" Bộ phận điều khiển không lưu gọi lại theo tín hiệu máy bay nhưng không nhận được hồi đáp và rồi họ chỉ có thể nhìn thấy máy bay rơi từ xa.
(Từ "MAYDAY" là một tín hiệu cấp cứu quốc tế trong hàng không, hàng hải và các lĩnh vực liên lạc vô tuyến khác. Cụ thể: "MAYDAY" được sử dụng khi một tàu, máy bay hoặc cá nhân đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng (ví dụ: rơi máy bay, cháy, mất điều khiển… Đây là mức cảnh báo khẩn cấp cao nhất, cao hơn cả "PAN-PAN" dùng cho tình huống khẩn nhưng không đe dọa ngay lập tức đến tính mạng. Trong trường hợp kể trên, một trong hai phi công đã hét lên “MAYDAY MAYDAY MAYDAY” sau khi động cơ mất lực và máy bay đang rơi, cho thấy họ đang trong tình huống nguy cấp nhất, cần hỗ trợ ngay lập tức).
Đánh giá của chuyên gia
Theo nhà phân tích an toàn David Soucie của CNN, các công tắc nhiên liệu được "thiết kế để được di chuyển có chủ ý" và ông cho biết các trường hợp tất cả các công tắc nhiên liệu bị tắt ngẫu nhiên là "cực kỳ hiếm".
Soucie khẳng định: "Trong suốt nhiều năm, các công tắc đó đã được cải tiến để đảm bảo rằng chúng không thể bị di chuyển ngẫu nhiên và chúng không tự động. Chúng không tự di chuyển theo bất kỳ cách nào".
Trong khi đó, 2 phi công của tổ bay lại là người giàu kinh nghiệm nên khó có chuyện thao tác nhầm. Cơ trưởng của chuyến bay là một người đàn ông 56 tuổi, đã bay hơn 15.000 giờ trong sự nghiệp của mình. Cơ phó là một người đàn ông 32 tuổi với hơn 3.400 giờ bay.
Các nhà điều tra cũng lưu ý rằng cài đặt trên các thiết bị được tìm thấy trong đống đổ nát là bình thường cho quá trình cất cánh. Động cơ bên trái được lắp đặt trên máy bay vào ngày 26.3 và động cơ bên phải được lắp đặt vào ngày 1.5, tức là còn rất mới. Nhiên liệu của máy bay đã được kiểm tra và đạt chất lượng tốt và không có hoạt động đáng kể nào từ chim được quan sát thấy gần đường bay.
Trọng lượng cất cánh của máy bay nằm trong giới hạn cho phép, và không có "Hàng hóa nguy hiểm" trên máy bay. Các nhà điều tra phát hiện các cánh tà trên cánh máy bay được đặt ở vị trí 5 độ, là vị trí chính xác cho việc cất cánh và cần hạ cánh đang ở vị trí xuống.
Thương vong thảm khốc
Chuyến bay Air India 171 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Sardar Vallabhbhai Patel của Ahmedabad ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ vào ngày 12.6. Chiếc Boeing 787-8 Dreamliner đang hướng đến London Gatwick và dự kiến hạ cánh lúc 6 giờ 25 chiều giờ địa phương.
Air India cho biết có 242 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay. Trong đó có 169 công dân Ấn Độ, 53 người Anh, 7 người Bồ Đào Nha và một người Canada.
Vụ tai nạn đã khiến tổng cộng 260 người thiệt mạng. Ngoài những người trên máy bay, một số người trên mặt đất cũng đã thiệt mạng khi máy bay đâm vào ký túc xá của Trường Cao đẳng Y khoa và Bệnh viện BJ.