Công nghệ quân sự

Giải mã công nghệ của Qatar đánh chặn tên lửa Iran

Hoàng Vũ 27/07/2025 16:11

Cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran vào tháng trước đã trở thành phép thử cho năng lực phòng không tích hợp của Qatar.

Hệ thống phòng không của Qatar chứng minh sức mạnh

Theo Defense News, các sĩ quan lực lượng vũ trang Qatar đã trực tiếp chỉ huy và vận hành hệ thống đánh chặn, dựa trên cảnh báo sớm từ tình báo khu vực.

Họ nhận được thông tin rằng lợi ích của Mỹ tại Trung Đông có thể là mục tiêu của tên lửa Iran, khiến giới chức Qatar ra lệnh đóng cửa không phận toàn quốc trong sáng cùng ngày.

Qatar hiện là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông - Al-Udeid, nằm gần thủ đô Doha, với khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ đồn trú. Điều ấy khiến quốc gia này có vai trò đặc biệt trong chiến lược phòng thủ chung giữa Mỹ và các đồng minh.

Chiến dịch đánh chặn của Qatar huy động 4 hệ thống vũ khí chủ lực, đều có nguồn gốc từ các tập đoàn quốc phòng Mỹ, gồm máy bay chiến đấu F-15QA, trực thăng tấn công Apache AH-64E, hệ thống phòng không Patriot, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS. Mỗi thành phần đều đóng vai trò riêng trong chiến lược đánh chặn nhiều lớp.

Ngay từ thời điểm Iran phóng tên lửa, hệ thống cảnh báo sớm và chỉ huy điều phối của Qatar đã được kích hoạt thông qua chuỗi cảm biến và radar hiện đại.

Dữ liệu được chia sẻ qua Link 16, một mạng liên kết dữ liệu chiến thuật thế hệ cao cấp do Mỹ phát triển, cho phép trao đổi thông tin theo thời gian thực giữa máy bay, hệ thống mặt đất và trung tâm chỉ huy.

Hệ thống phòng không của Qatar đánh chặn tên lửa Iran hôm 23.6 - Video Dailymail

Đây là một trong những công nghệ liên kết chiến trường tiên tiến nhất thế giới, với khả năng chống nhiễu, mã hóa và truyền dữ liệu tốc độ cao. Qatar là một trong số ít quốc gia ngoài NATO được truy cập mạng này.

Nền tảng không chiến tích hợp dữ liệu

Lực lượng không quân Qatar triển khai tiêm kích F-15QA trong vai trò giám sát không phận và chuẩn bị đánh chặn mục tiêu tầm xa.

Đây là biến thể F-15 tiên tiến bậc nhất, được tích hợp radar mảng pha chủ động (AESA), hệ thống điện tử hàng không số hóa và khả năng kết nối mạng lưới tác chiến đa tầng.

F-15 Reuters
Tiêm kích F-15 - Ảnh: Reuters

Máy bay F-15 thực hiện các chuyến bay tuần tra kéo dài để bảo vệ không phận và chuẩn bị cho các tình huống phản ứng nhanh. Theo các phi công Qatar, mỗi chuyến tuần tra kéo dài từ 2 - 3 giờ, nhưng có thể tới 6 - 8 giờ nhờ khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Song song với F-15, các trực thăng Apache AH-64E Guardian được triển khai để thực hiện nhiệm vụ phòng không tầm thấp - một ứng dụng mới của trực thăng tấn công vốn chuyên yểm trợ hỏa lực mặt đất.

Phiên bản AH-64E được trang bị radar điều khiển hỏa lực AN/APG-78 Longbow, hệ thống cảnh báo laser và cảm biến hồng ngoại tầm xa, cho phép phát hiện máy bay không người lái (UAV) hoặc mục tiêu nhỏ trong môi trường khắc nghiệt.

Lưới đánh chặn hai tầng

Trung tâm của hệ thống đánh chặn là Patriot PAC-3 MSE, một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất hiện nay. PAC-3 sử dụng radar AN/MPQ-65 và tên lửa dẫn đường chính xác có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình bằng va chạm động năng (hit-to-kill).

Trong sự kiện ngày 23.6, hệ thống Patriot của Qatar đã đánh chặn thành công toàn bộ 19 tên lửa Iran gồm 7 quả trên vịnh Ba Tư, 11 quả trên không phận Doha và 1 quả rơi gần căn cứ Al-Udeid.

patriot.jpeg
Hệ thống phòng không Patriot - Ảnh: Lockheed Martin

Tầng đánh chặn thứ 2 là hệ thống NASAMS (National Advanced Surface-to-Air Missile System) do Na Uy và Mỹ hợp tác phát triển. NASAMS tích hợp radar Raytheon Sentinel, trung tâm điều khiển hỏa lực FDC và các tên lửa AIM-120 AMRAAM, loại tên lửa không đối không được điều chỉnh để bắn từ mặt đất. Trong đợt tấn công vừa qua, hệ thống này không cần khai hỏa do Patriot đã xử lý toàn bộ mục tiêu, cho thấy tính hiệu quả và độ phủ rộng của tầng đánh chặn đầu tiên.

Hệ thống đồng bộ hóa

Sức mạnh phòng thủ của Qatar không chỉ đến từ tính năng riêng lẻ của từng hệ thống, mà nằm ở khả năng đồng bộ hóa trong toàn bộ kiến trúc công nghệ từ cảm biến radar, mạng dữ liệu Link 16, hệ thống tác chiến điện tử, cho tới khả năng phối hợp giữa không quân, phòng không và chỉ huy mặt đất.

Quy trình xử lý mục tiêu gần như hoàn toàn tự động, cho phép phát hiện, phân tích, đánh chặn trong thời gian cực ngắn.

Hệ thống phòng không Qatar
Hệ thống phòng thủ đồng bộ của Qatar - Ảnh: Al-Jazeera

Đặc biệt, việc triển khai trực thăng tấn công Apache làm phương tiện phòng không là minh chứng cho xu hướng mở rộng vai trò khí tài truyền thống dưới góc nhìn công nghệ mới. Kết hợp với cảm biến tích hợp và năng lực nhận diện đa phổ, trực thăng trở thành phần tử linh hoạt trong hệ sinh thái phòng thủ hiện đại.

Vụ việc Iran phóng tên lửa là cơ hội để Qatar phô diễn một chiến lược phòng thủ công nghệ cao, trong đó yếu tố then chốt là liên kết dữ liệu, phối hợp cảm biến và hệ thống đánh chặn tích hợp.

Việc tất cả các lớp phòng không, từ tiêm kích, trực thăng, tên lửa Patriot tới NASAMS hoạt động trơn tru cho thấy khả năng triển khai chiến tranh mạng trung tâm (network-centric warfare) đã đi vào thực tiễn.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều mối đe dọa từ UAV, tên lửa hành trình và tấn công phi đối xứng, sự kiện ở Qatar là mô hình tham khảo cho nhiều quốc gia, không chỉ ở Trung Đông mà còn trong các khối phòng thủ tiên tiến.

Khi công nghệ trở thành lực lượng cốt lõi trong quốc phòng, các quốc gia như Qatar đang thể hiện rằng quy mô nhỏ không còn là yếu tố giới hạn năng lực phòng thủ hiện đại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giải mã công nghệ của Qatar đánh chặn tên lửa Iran
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO