Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã báo cáo doanh thu kỷ lục trong quý 2/2025 nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).
Góc nhìn

Foxconn đạt doanh thu kỷ lục nhờ AI, nhưng sau đó là nỗi lo

Anh Tú 06/07/2025 08:31

Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã báo cáo doanh thu kỷ lục trong quý 2/2025 nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong tuyên bố hôm 5.7, Foxconn cho biết doanh thu đã tăng 15,82% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,797 nghìn tỉ đài tệ, công ty cho biết. Con số này vượt qua dự báo 1,7896 nghìn tỉ đài tệ từ LSEG SmartEstimate một công cụ tính toán dựa nhiều hơn vào các nhà phân tích có độ chính xác cao.

Theo Foxconn, nhu cầu mạnh mẽ đối với AI đã thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ở mảng sản phẩm đám mây và mạng của công ty - nơi phục vụ các khách hàng như Nvidia, hãng sản xuất chip AI nổi tiếng.

Tuy nhiên, đối với mảng điện tử tiêu dùng thông minh, gồm cả iPhone, công ty cho biết doanh thu tăng “gần như không đổi” so với cùng kỳ năm ngoái do bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Doanh thu tháng 6 tăng 10,09% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 540,237 tỉ đài tệ - mức cao kỷ lục trong tháng này.

Foxconn cho biết họ dự báo doanh thu quý hiện tại sẽ tăng so với 3 tháng trước đó và cùng kỳ năm ngoái, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về các rủi ro có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng. Công ty chỉ nêu: “Tác động từ các điều kiện chính trị và kinh tế toàn cầu đang thay đổi cũng như biến động tỷ giá sẽ cần được theo dõi chặt chẽ”.

Áp lực từ sự trỗi dậy của Huawei

Foxconn từng là đối tác sản xuất quan trọng cho smartphone của Huawei (Trung Quốc), đặc biệt là trước khi lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực. Khi Huawei bị hạn chế tiếp cận chip tiên tiến từ các nhà cung cấp bên ngoài (gồm cả các công ty Mỹ và các công ty sử dụng công nghệ Mỹ), họ buộc phải tìm cách tự chủ.

Việc Huawei đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất chip của riêng mình (có báo cáo cho rằng Huawei hiện vận hành ít nhất 11 nhà máy bán dẫn nội địa, trong đó có một số có thể sản xuất chip 7nm) có nghĩa là họ sẽ tự sản xuất các chip Kirin của mình. Mặc dù các chip này đang được sử dụng chủ yếu cho sản phẩm của Huawei, nhưng điều này làm giảm nhu cầu của Huawei đối với các chip từ bên ngoài và do đó giảm nhu cầu lắp ráp điện thoại sử dụng các chip đó từ các đối tác như Foxconn. Cần nhớ, theo thống kê mới nhất, mảng điện thoại Huawei đã tăng 12% doanh số tại Trung Quốc trong quý 2 trong khi điện thoại của Apple chỉ tăng 8%.

Huawei không chỉ tập trung vào smartphone mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như xe điện, AI và cơ sở hạ tầng 5G. Khi họ tự chủ hơn về chip trong các lĩnh vực này, Foxconn sẽ không còn là nhà cung cấp chính cho các linh kiện hoặc dịch vụ lắp ráp liên quan đến chip cho Huawei nữa.

Việc Huawei thúc đẩy tự chủ chip cũng khuyến khích các công ty công nghệ Trung Quốc khác đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của các đối thủ sản xuất hợp đồng mới trong nước, cạnh tranh trực tiếp với Foxconn ngay trên sân nhà.

Chính sách địa chính trị và mong muốn tự chủ công nghệ của Trung Quốc có thể thúc đẩy các thương hiệu nội địa ưu tiên các nhà cung cấp và nhà sản xuất trong nước, thay vì các công ty bên kia eo biển Đài Loan như Foxconn.

Ngoài ra, các chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt dưới thời chính quyền Donald Trump, đã gây ra những biến động lớn trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Foxconn, với các cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc, rất nhạy cảm với các biện pháp thuế quan hoặc hạn chế xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và xuất khẩu của họ.

Hơn nữa, sự biến động của đồng tiền các quốc gia có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Foxconn, đặc biệt khi họ có hoạt động toàn cầu và doanh thu được tính bằng nhiều loại tiền tệ.

Foxconn cần thêm thị trường mới

Trước những biến động trên, Foxconn sẽ phải ráo riết tìm kiếm các khách hàng mới để bù đắp cho sự sụt giảm tiềm năng trong các đơn hàng từ Huawei và thậm chí bị Huawei trong tương lai lấy khách hàng. Điều này đòi hỏi Foxconn phải mở rộng sang các thị trường và phân khúc sản phẩm mới.

Mặc dù Apple vẫn là khách hàng lớn nhất của Foxconn, việc Huawei tự chủ chip là một lời nhắc nhở rõ ràng về rủi ro khi quá phụ thuộc vào một vài khách hàng lớn. Foxconn sẽ cần tiếp tục chiến lược đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro này.

Thực tế, Foxconn đã và đang tích cực đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình ngoài iPhone, sang các lĩnh vực như sản phẩm đám mây và mạng (đã cho thấy tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu AI), linh kiện ô tô điện (EV) và robot. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi đầu tư lớn vào R&D và dây chuyền sản xuất mới.

Đây cũng không phải là chuyện riêng của Foxconn. Tất cả các hãng công nghệ muốn tồn tại và phát triển thì phải liên tục đổi mới để sống sót trong môi trường đầy cạnh tranh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thời cơ vàng để Tạp chí Một Thế Giới lan tỏa thông tin KH-CN theo tinh thần Nghị quyết 57
42 phút trước Khoa học - công nghệ
Nghị quyết 57 đã thắp lên "ngọn lửa" khát vọng làm chủ công nghệ của Việt Nam. Trong đó, việc lan tỏa mạnh mẽ thông tin khoa học công nghệ (KH-CN) theo tinh thần của Nghị quyết 57 là vấn đề cốt lõi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Foxconn đạt doanh thu kỷ lục nhờ AI, nhưng sau đó là nỗi lo