Drone FPV phơi bày điểm yếu của pháo phản lực Triều Tiên được Nga sử dụng
Một số video chiến đấu cho thấy các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) của Triều Tiên, được gửi cho Nga, dễ bị tấn công bởi drone FPV (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất).
MLRS và drone FPV là gì?
MLRS (hay pháo phản lực nhiều nòng) là loại vũ khí pháo binh có khả năng phóng hàng loạt rocket (tên lửa không điều khiển) trong một khoảng thời gian rất ngắn. MLRS thường có độ chính xác thấp hơn so với các loại pháo truyền thống, nhưng lại có khả năng gây sát thương lớn trên một khu vực rộng lớn nhờ vào số lượng lớn đạn được phóng ra.
Drone FPV là loại máy bay không người lái mà người điều khiển có thể nhìn thấy mọi thứ như thể đang ngồi trên chính nó. Thay vì điều khiển từ xa bằng cách quan sát từ bên ngoài, người lái sẽ nhìn qua chiếc kính đặc biệt hoặc màn hình, truyền hình ảnh trực tiếp từ camera gắn trên đầu drone.
Điểm khác biệt lớn nhất của Drone FPV là trải nghiệm điều khiển trực tiếp, gần giống như chơi game nhập vai. Điều này giúp người điều khiển bay lượn cực kỳ chính xác qua những địa hình phức tạp, luồn lách qua khe tường, rừng rậm hoặc lao thẳng vào mục tiêu.
Trong chiến tranh hiện đại, loại drone này được Ukraine sử dụng rất phổ biến. Ukraine gắn chất nổ lên nó, điều khiển bay đến mục tiêu như xe tăng, pháo binh hay vũ khí khác của kẻ địch và cho nổ tại chỗ. Vì drone FPV bay thấp, nhanh và được điều khiển linh hoạt nên rất khó bị phát hiện hoặc bắn hạ.
Hiểu đơn giản, drone FPV giống như “quả tên lửa có mắt” do con người điều khiển trong thời gian thực, nhìn thấy gì là đánh vào đó.
MLRS của Triều Tiên lộ điểm yếu trước drone FPV
Các đơn vị Ukraine đã đăng tải nhiều video drone của họ tấn công MLRS do Triều Tiên cung cấp cho Nga, trong đó một số vụ đã kích nổ đạn pháo lộ thiên trên bệ phóng, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trong video gần đây do Trung đoàn Hệ thống Không người lái biệt lập số 429 của Ukraine đăng tuần trước, một drone FPV bay vào phía sau MLRS Type-75 107mm của Triều Tiên.



Video do drone FPV quay lại cho thấy ít nhất bốn quả rocket đã được nạp sẵn vào bệ phóng gồm 12 nòng/ống phóng (được kéo bởi phương tiện khác để di chuyển) vào thời điểm va chạm. Không thấy bóng dáng những người vận hành MLRS này và drone FPV dường như đã đánh trúng một trong các quả tên lửa.
Trung đoàn Ukraine nêu trên cũng đăng một video trinh sát riêng biệt, quay từ xa, có vẻ cho thấy bệ phóng đã phát nổ. Trong video, một quả rocket dường như bay ra khỏi hàng cây. Song khó khẳng định chắc chắn liệu cả hai video có chắc chắn liên quan đến cùng một cuộc tấn công hay không.
Type-75 đã nhiều lần bị phát hiện tại tiền tuyến và các bãi huấn luyện của Nga vài tháng qua. Đây dường như là một trong những MLRS mới nhất mà Triều Tiên đã chuyển giao cho lực lượng Nga. Đó là phiên bản dựa trên Type-63 nhẹ của Trung Quốc - hệ thống 12 ống phóng cũ để lộ tất cả quả rocket đã nạp.
Một Type-75 khác đã bị phá hủy hôm 12.7 bởi đơn vị thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine. Đơn vị này đăng lên video cho thấy drone thả một quả bom nhỏ xuống nó.
Triều Tiên đã gửi các MLRS M1991 tầm xa hơn để Nga sử dụng, một trong số đó đã bị hư hại nặng nề do bị drone tấn công vào tháng trước.
M1991 thường được xem là phiên bản nâng cấp của các hệ thống pháo phản lực cỡ nhỏ đời cũ như Type-63 hoặc BM-21 Grad (MLRS có từ thời Chiến tranh Lạnh, nạp đạn bằng tay).
Đoạn video do Tiểu đoàn Hệ thống Không người lái số 413 của Ukraine đăng cuối tháng 6 cho thấy drone đã kích nổ một quả đạn lộ thiên trên bệ phóng M1991, khiến nó khai hỏa sớm và xuyên qua khung gầm xe tải. Hai binh sĩ được thấy nhảy ra khỏi buồng lái đang bốc khói.
Ukraine cho biết Triều Tiên đã gửi cho Nga hàng trăm khẩu pháo, gồm cả M1991, Type-75, các loại lựu pháo và cả những hệ thống pháo phản lực phóng loạt hiện đại hơn như KN-09, trang Insider đưa tin.
Phần lớn thiết bị từ Triều Tiên được phát triển dựa trên công nghệ của Liên Xô hoặc Trung Quốc, nên chúng thường có thiết kế khá giống với những hệ thống mà quân đội Nga đã dùng tại Ukraine.
Ví du: BM-21 Grad là vũ khí phổ biến trong cuộc chiến. Đạn của hệ thống này, cũng như M1991 và Type-75, đều để lộ và rất dễ bị drone FPV tấn công.
Ngược lại, các hệ thống rocket hiện đại của phương Tây, chẳng hạn như M142 HIMARS của Mỹ, thường dùng đạn được bọc kín và che chắn phần nào khỏi các vụ nổ nhỏ.
M142 HIMARS là MLRS cơ động cao, được xem là một trong những vũ khí tầm xa chính xác và hiệu quả nhất hiện nay.

Trong các cuộc diễu binh gần đây, Triều Tiên đã trưng bày một số MLRS mới với dấu hiệu có thêm lớp bảo vệ, nhưng phần lớn chỉ là các ống phóng lớn hơn.
Phần lớn kho vũ khí pháo binh của Triều Tiên bị phương Tây và Hàn Quốc đánh giá là các hệ thống cũ và lỗi thời, theo Insider. Thế nên nhiều MLRS của Triều Tiên có khả năng sẽ gặp phải cùng một nhược điểm như M1991 và Type-75, trong khi quân đội các nước trên thế giới đang dần chuyển hướng sang chiến tranh sử dụng drone.