Công nghệ quân sự

Điểm danh máy bay tiêm kích "già gân" của không quân Thái Lan

Hoàng Vũ 26/07/2025 18:00

Trong đội hình không quân hoàng gia Thái Lan (RTAF), F-5E/F Tiger II và Alpha Jet là hai dòng máy bay tiêm kích có thâm niên phục vụ lâu đời nhất.

Máy bay tiêm kích có tuổi đời hơn nửa thế kỷ

Ra đời từ đầu thập niên 1970, cả hai dòng máy bay tiêm kích F-5E/F Tiger II và Alpha Jet vẫn đang đóng vai trò đáng kể trong các nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra và hỗ trợ không quân, bất chấp sự xuất hiện của các tiêm kích thế hệ mới.

Với ưu điểm chi phí vận hành thấp, cấu trúc đơn giản và khả năng nâng cấp linh hoạt, chúng vẫn tiếp tục chứng minh giá trị trong bối cảnh lực lượng không quân Thái Lan từng bước hiện đại hóa.

F-5E/F Tiger II - biểu tượng của tiêm kích hạng nhẹ

Do hãng Northrop (Mỹ) phát triển, máy bay tiêm kích F-5E/F Tiger II là dòng tiêm kích siêu nhẹ thế hệ 2 được thiết kế cho các quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế.

Ra mắt năm 1972, F-5 nhanh chóng trở thành lựa chọn phổ biến nhờ thiết kế khí động học tối giản, trọng lượng nhẹ và khả năng hoạt động từ các đường băng ngắn. Phiên bản F-5E một chỗ ngồi và F-5F hai chỗ ngồi đều sử dụng hai động cơ General Electric J85-GE-21, giúp đạt tốc độ tối đa Mach 1,63 (tương đương khoảng hơn 2.000km/h) và bán kính tác chiến khoảng 1.400km.

Tiêm kích F-5 thuộc biên chế của không quân Thái Lan - Ảnh: RTAF
Máy bay tiêm kích F-5 thuộc biên chế của không quân Thái Lan - Ảnh: RTAF

Máy bay được trang bị radar AN/APQ-159, hỗ trợ phát hiện mục tiêu tầm trung và có thể mang theo tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, rocket và bom nhẹ, phù hợp với các nhiệm vụ không đối không cơ bản và yểm trợ hỏa lực mặt đất.

Theo FlightGlobal, hiện RTAF duy trì khoảng 20 chiếc F-5, trong đó có một số đã được nâng cấp lên chuẩn F-5TH Super Tigris với radar Elta EL/M-2032, hệ thống điện tử hàng không mới và khả năng sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác.

Những nâng cấp này giúp máy bay tiệm cận năng lực chiến đấu của các tiêm kích thế hệ 4, dù vẫn bị giới hạn bởi thiết kế khung thân và công nghệ động cơ cũ.

Trong giai đoạn hiện tại, F-5 chủ yếu được sử dụng cho huấn luyện phi công và nhiệm vụ phụ trợ như trinh sát, tuần tra không phận khu vực có rủi ro thấp. Mức chi phí vận hành thấp, chỉ khoảng 4.000 USD/giờ bay, vẫn khiến dòng tiêm kích này trở thành giải pháp kinh tế cho các hoạt động không yêu cầu cao về công nghệ.

Trong quá khứ, F-5 từng là nòng cốt của lực lượng không quân Thái Lan và nhiều nước khác trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hơn 2.600 chiếc được sản xuất và xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia. Riêng ở Thái Lan, F-5 góp phần định hình khả năng phòng không trong giai đoạn căng thẳng khu vực vào thập niên 1970 - 1980.

Alpha Jet - máy bay huấn luyện kết hợp tấn công

Được phát triển theo chương trình hợp tác giữa Pháp (Dassault Aviation) và Đức (Dornier), Alpha Jet ra mắt năm 1973 với định hướng ban đầu là máy bay huấn luyện nâng cao. Tuy nhiên, thiết kế linh hoạt và chi phí vận hành thấp đã mở rộng vai trò của nó sang tấn công nhẹ và yểm trợ chiến thuật.

alpha jet 2
Máy bay tiêm tích Alpha Jet của không quân Thái Lan - Ảnh: RTAF

Sử dụng 2 động cơ SNECMA Turbomeca Larzac, Alpha Jet đạt tốc độ tối đa khoảng 800km/giờ và có bán kính hoạt động 1.200km. Dù không được trang bị radar hiện đại, máy bay vẫn có thể mang súng máy 30mm, rocket và bom nhẹ, phù hợp cho các nhiệm vụ tấn công tầm thấp và hỗ trợ mặt đất.

RTAF hiện khai thác khoảng 18 chiếc Alpha Jet, chủ yếu phục vụ công tác huấn luyện và một phần nhiệm vụ tấn công hạng nhẹ. Toàn bộ đội hình này đang được nâng cấp lên chuẩn Alpha Jet TH, với hệ thống buồng lái kỹ thuật số, thiết bị điện tử hiện đại hơn và khả năng tích hợp vũ khí có điều khiển. Điều này giúp Alpha Jet tiếp tục đáp ứng các yêu cầu huấn luyện trong bối cảnh Thái Lan chuyển đổi sang sử dụng các tiêm kích hiện đại hơn.

Ngoài vai trò huấn luyện, Alpha Jet còn tham gia vào một số hoạt động phi chiến đấu như trinh sát hoặc hỗ trợ nhân đạo khi xảy ra thiên tai. Thiết kế bền bỉ và chi phí vận hành khoảng 3.000 USD/giờ bay khiến nó trở thành phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế của RTAF.

Thách thức hiện tại và hướng phát triển tương lai

Dù đã được nâng cấp, cả F-5 và Alpha Jet đều đang đối mặt với giới hạn kỹ thuật và tuổi thọ. Với hơn 50 năm sử dụng, việc duy trì hoạt động đòi hỏi chi phí bảo trì ngày càng cao, trong khi nguồn linh kiện thay thế ngày càng khan hiếm.

RTAF đã lên kế hoạch cho nghỉ hưu toàn bộ đội hình Alpha Jet trước năm 2031, đồng thời từng bước rút F-5 khỏi biên chế, thay thế bằng các nền tảng thế hệ mới như JAS 39 Gripen E/F hoặc F-16 Block 70/72.

Để đảm bảo năng lực huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn chuyển tiếp, RTAF vẫn tiếp tục đầu tư vào việc nâng cấp F-5TH và Alpha Jet TH. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo hiệu quả ngắn hạn trong khi chờ đợi các thế hệ máy bay mới đi vào hoạt động đầy đủ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điểm danh máy bay tiêm kích "già gân" của không quân Thái Lan
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO