Kinh tế 4.0

Cựu nhân viên ngân hàng chuyển nghề bán hàng online, đồ ăn sáng

Tuyết Nhung 14/07/2025 11:05

Sau một thời gian "sốc" vì bị cắt giảm, các cựu nhân viên ngân hàng đang bắt nhịp vào những công việc mới rất đa dạng.

Làn sóng cắt giảm nhân sự tại các ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng trong quý 1/2025. Nhiều nhà băng ghi nhận lượng lao động giảm tới hàng nghìn người khi quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh.

Cụ thể, trong quý đầu của năm nay, ngân hàng LPBank có lượng nhân sự cắt giảm mạnh nhất với 1.620 người. Tiếp đến là ngân hàng Sacombank với 930 người.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhân xu hướng giảm nhân sự sau 3 tháng đầu năm nay là ACB, TPBank, ABBank, Vietcombank, MSB, SeABank và Saigonbank.... với quy mô hàng chục đến hàng trăm nhân viên.

Nguyên nhân cắt giảm được các nhà băng đưa ra là do những bộ phận này có tính chất công việc mang tính thủ công, lặp đi lặp lại nên sẽ được thay thế tối đa bằng giải pháp công nghệ.

Chuyển nghề bán hàng online

Sau 10 năm gắn bó với ngân hàng, chị Bùi Minh Hương (33 tuổi, Hưng Yên) đã nhận được quyết định cho nghỉ việc vào tháng 3 vừa qua. Theo chị Hương, trước đó, chị làm giao dịch viên tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội.

"Công việc tại ngân hàng của tôi vẫn là mơ ước của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Trước tôi tốt nghiệp loại khá ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. CV (sơ yếu lý lịch) của tôi khá là đẹp nên được ngân hàng nhận vào làm luôn. Nhưng cuộc đời không như mơ thật, vào một ngày tôi nhận được quyết định cho thôi việc, tôi cũng rất bất ngờ dù trước đó khoảng một năm, ngân hàng đã có kế hoạch cắt giảm nhân sự tại quầy nhiều", chị Hương buồn bã chia sẻ.

ban-hang-online.png
Bán hàng online được xem là lựa chọn kiếm thêm thu nhập cho chị em hiện nay - Ảnh minh họa

Chị Hương cho biết, với sự phát triển của các kênh giao dịch trực tuyến (internet banking, mobile banking) và các máy ATM, CDM, nhu cầu về giao dịch viên tại quầy đã giảm đi nhiều. Đây là vị trí chị Hương đã làm việc 10 năm tại ngân hàng nhưng đến nay, công việc của chị có thể được thay thế hoàn toàn bằng công nghệ.

Cũng theo chị Hương, ngoài chị ra thì nhân sự khác ở chi nhánh như nhân viên xử lý giao dịch hay một số vị trí phân tích dữ liệu cơ bản cũng phải nghỉ việc. Nhiều công việc như xử lý hồ sơ, kiểm tra thông tin, nhập liệu có thể được tự động hóa bằng các hệ thống phần mềm. Các công cụ AI có thể phân tích dữ liệu, đưa ra báo cáo, dự báo, thay thế cho những công việc đơn giản của nhân viên phân tích.

"Kết thúc hành trình 10 năm làm việc tại ngân hàng, tôi vừa buồn vừa hụt hẫng. Nhưng mình còn trẻ, mình vẫn phải phấn đấu tiếp. Sau khi kết thúc công việc tại ngân hàng, tôi dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn. Tôi tạm thời ở nhà trông con và bán hàng online. Tôi cũng tham khảo thêm một số công việc về dịch vụ phù hợp với bản thân, nếu có cơ hội và cảm thấy phù hợp với mình thì tôi sẽ đi làm", chị Hương nói.

Mở quán bán đồ ăn sáng, làm tiệm giặt là

Mất việc ở độ tuổi 40 trở đi, rất khó tìm được công việc khác để đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình. Đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thảo (45 tuổi, Hà Nội). Chị Thảo nghỉ việc ở ngân hàng hồi đầu năm nay.

"Tôi đã làm việc ở ngân hàng 15 năm, công việc của tôi là nhân viên hỗ trợ khách hàng, giờ thì các chatbot, trợ lý ảo sử dụng AI có thể thay thế nhân viên trong việc giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ khách hàng cơ bản. Ngân hàng cắt giảm số lượng người làm ở vị trí này, tăng tuyển dụng nhân viên mảng công nghệ.

Gia đình tôi không dư giả. Thời gian đầu khi nghỉ làm ở ngân hàng, tôi cũng không biết làm gì. Với đặc thù chuyên môn cũ của mình thì làm việc chân tay cũng khó. Ban đầu cũng bất mãn, Sau thì cũng phải chấp nhận và cố gắng tìm một công việc để trang trải gia đình cùng với chồng.

Sau đó, tôi được chị gái giúp đỡ mở một cửa hàng ăn sáng nhỏ. Chiều tôi làm thêm ở tiệm giặt là gần nhà. Lúc đầu kinh doanh chật vật, không quen lắm, nhưng đến nay khoảng 4 tháng thì tôi đã thích nghi dần với công việc mới của mình", chị Thảo tâm sự.

Từ biến cố nghỉ việc, chị Thảo rút ra một điều: mỗi người phải tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng, để khi không thể làm ở môi trường này thì có thể sẵn sàng đi tìm việc nơi khác. Nếu cứ nghĩ công việc ổn định, an phận, đến khi mất việc sẽ khó tìm được một công việc khác phù hợp với bản thân.

"Thay vì quá tập trung, dốc sức vào một nghề duy nhất thì ai cũng nên kiếm thêm nghề tay trái để phòng khi mất việc này còn việc khác. Chứ trong bối cảnh công nghệ phát triển từng ngày, bạn giỏi đến đâu thì cũng có nguy cơ bị sa thải", chị Thảo thẳng thắn chia sẻ.

Nói về làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng đó là xu hướng tất yếu: "Giờ đây việc áp dụng công nghệ hiện đại, AI vào các hoạt động của ngân hàng đã giúp giảm bớt những tiêu cực và còn giúp công việc được làm nhanh hơn. Thế nên, việc các nhà băng giảm bớt nhân viên, tinh giảm bộ máy nhân sự là chuyện dễ hiểu”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cựu nhân viên ngân hàng chuyển nghề bán hàng online, đồ ăn sáng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO