Chuyên gia đề xuất sớm ban hành nghị định thí điểm tài sản số
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề nghị đẩy nhanh hoàn thiện thể chế cho các động lực tăng trưởng mới, xây dựng nghị định thí điểm thị trường tài sản số; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm…
Tăng trưởng 2 quý cuối năm cần đạt khoảng 8 - 8,2%
Trong báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho hay GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 15 năm; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số rủi ro, thách thức trong nửa cuối năm 2025.
Cụ thể, ở bên ngoài, rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ gia tăng, khiến giá cả hàng hóa chịu áp lực tăng. Từ đó tạo áp lực đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.
Trong nước, hoạt động doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 13,3% và số doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 23,3% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tỷ giá, nợ xấu tăng (dù trong tầm kiểm soát). Đến hết tháng 2.2025, nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết cuối quý 1/2025 ở mức 2,2%, tăng so với mức 1,9% cuối năm 2024. Trong khi đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 91% cuối năm 2024 xuống còn 80% cuối quý 1/2025 cho thấy khả năng bù đắp rủi ro của các TCTD đang suy giảm.

Báo cáo cũng chỉ ra xuất nhập khẩu tăng chậm lại; đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước dịch COVID-19; Chỉ số PMI sản xuất tháng 6.2025 đạt 48,9 điểm, thấp hơn mức 49,8 điểm của tháng 5; tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân đạt 7,5% trong 6 tháng, cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước dịch…
Nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,5 - 7,7% cả năm 2025 (kịch bản cơ sở), tăng trưởng GDP hai quý cuối năm cần đạt khoảng 8 - 8,2%, hoặc có thể cao hơn, khoảng 7,8 - 8,1% (kịch bản tích cực).
Áp lực lạm phát có thể gia tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm do cả yếu tố chi phí đẩy và yếu tố cầu kéo (tăng trưởng tín dụng ước đạt 15 - 16%, vòng quay tiền ở mức 0,7 - 0,8 lần).
Tuy nhiên, CPI bình quân cả năm 2025 dự báo tăng 4 - 4,5%, cao hơn năm 2024 (3,63%) song vẫn dưới mức mục tiêu cho phép của Quốc hội (4,5 - 5%) và trong tầm kiểm soát.
Hoàn thiện thể chế cho các động lực tăng trưởng mới
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên hoặc ít nhất như kịch bản cơ sở (7,5 - 7,7%) trong cả năm 2025 như nêu trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế cho các động lực tăng trưởng mới như cơ chế sandbox cho kinh tế tuần hoàn; Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; Nghị định thí điểm thị trường tài sản số; thành lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, quỹ phát triển nhà ở, quỹ đầu tư mạo hiểm…; bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai quyết liệt, hiệu quả "bộ tứ trụ cột" theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị…
Đặc biệt cần đẩy mạnh chống lãng phí, nhất là 2.887 dự án tồn đọng, vướng mắc với số vốn đầu tư khoảng 235 tỉ USD; khẩn trương có phương án, cơ chế, chính sách về sử dụng, phát huy hiệu quả các trụ sở cơ quan dôi dư sau tinh gọn, sáp nhập…
Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị chủ động, linh hoạt thích ứng với chính sách thuế quan của Mỹ, coi đây là cơ hội tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng tính tự lực, tự chủ, tự cường.

Theo đó, cần sớm ban hành nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, nghị định về xuất xứ hàng hóa, cùng với đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, tăng minh bạch xuất xứ hàng hóa, thiết bị, vật liệu...; tăng nhập khẩu từ Mỹ, đa dạng hóa thị trường…
Giải pháp tiếp theo là triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng. Trong đó có thể kể đến như thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản phụ cấp, chế độ đặc thù cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo chủ trương tinh gọn bộ máy; sớm ban hành Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi, nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp; xây dựng và triển khai "Chương trình kích cầu du lịch" nội địa và quốc tế; sớm cho phép thử nghiệm kinh tế đêm ở một số địa điểm phù hợp; khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các gói tín dụng tiêu dùng lãi suất ưu đãi…
TS Cấn Văn Lực cũng đề nghị xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém (nhất là Ngân hàng SCB), tăng vốn cho các TCTD Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng cao; sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về thị trường vàng; triển khai giải pháp cụ thể phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, hiệu quả…
Ngoài ra, cần quan tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, trong đó có chất lượng đầu tư công (nhất là các công trình trọng điểm) và cơ cấu chi tiêu công (chi nhiều hơn cho giáo dục, y tế và KH-CN, hạ tầng số...); sớm thành lập Ủy ban năng suất quốc gia, triển khai các chiến dịch về tăng năng suất, chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng lao động nhằm ứng dụng và làm chủ KH-CN, đóng góp ngày càng cao cho tăng trưởng…