Cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với nhân tài
Luật Quốc tịch Việt Nam cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với người có tài năng vượt trội trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế, nghệ thuật, thể thao, y tế…
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo đó, nghị định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp có công lao đặc biệt, hoặc có lợi cho Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, người có công lao đặc biệt, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước, hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức và quy định.
Trường hợp có lợi cho Nhà nước là người có tài năng vượt trội trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục hoặc các lĩnh vực khác. Những người này đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng hoặc được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương và có cơ sở cho thấy người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam.
Đối tượng tiếp theo là doanh nhân, nhà đầu tư là cá nhân có kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về việc người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển của Việt Nam.

Nghị định cũng nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quyết định việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam trên cơ sở xác định có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định.
Cũng theo nghị định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài, phải có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp về việc giữ quốc tịch phù hợp với pháp luật của nước đó.
Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này thì người đó phải có bản cam đoan về việc cơ quan có thầm quyền của nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này, và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của quốc gia đó.
Ngoài ra, phải có bản cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Trước đó, sáng 24.6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng giảm điều kiện cho người có nguyện vọng nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trình bày tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết luật mới tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài nhập quốc tịch, qua đó thu hút nguồn lực chất lượng cao.
Qua các phiên thảo luận tổ và hội trường cho thấy hầu hết các ý kiến tán thành với việc xây dựng luật để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Các chính sách trong luật kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong việc thu hút lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao.