Kinh tế 4.0

CEO Sundar Pichai 'hào hứng' khi Google và OpenAI hợp tác, gợi nhớ về thỏa thuận làm Yahoo tụt dốc

Sơn Vân 24/07/2025 09:03

Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google và Alphabet, cho biết ông “rất hào hứng” khi cung cấp tài nguyên điện toán đám mây cho OpenAI để huấn luyện và vận hành các mô hình AI của công ty này, như một phần trong thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết.

Điều đáng nói: OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra chatbot ChatGPT, là đối thủ lớn nhất của Google trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

“Liên quan đến OpenAI, chúng tôi thực sự rất hào hứng được hợp tác với họ trên Google Cloud. Google Cloud là một nền tảng mở và chúng tôi có truyền thống lâu dài trong việc hỗ trợ các công ty lớn, startup, phòng thí nghiệm AI… Vì vậy, chúng tôi rất hào hứng với mối quan hệ hợp tác này trong mảng điện toán đám mây, mong muốn tiếp tục đầu tư và mở rộng mối quan hệ đó”, ông Sundar Pichai phát biểu trong buổi báo cáo kết quả tài chính quý 2/2024 của Alphabet (công ty mẹ Google) hôm 23.7.

CEO Sundar Pichai
Hôm 16.7, OpenAI cho biết dự kiến sẽ sử dụng hạ tầng điện toán đám mây của Google cho ChatGPT và các sản phẩm AI khác - Ảnh: Internet

Sundar Pichai đưa ra bình luận ngay sau khi các nhà phân tích liên tục chất vấn ông cùng các lãnh đạo Google khác về việc AI sẽ tác động như thế nào đến mảng kinh doanh cốt lõi là tìm kiếm, cũng như lý do Google lại bỏ thêm 10 tỉ USD cho chi tiêu vốn trong năm 2025 để bắt kịp trong cuộc đua AI.

Gần hai năm rưỡi kể từ khi ChatGPT trình làng vào tháng 11.2023, Google đã hoàn toàn chuyển trọng tâm sang phát triển các mô hình AI hàng đầu và sản phẩm để cạnh tranh với OpenAI.

Dù ChatGPT là mối đe dọa lớn với Google Search, thỏa thuận cùng OpenAI lại đem về cho Google Cloud một khách hàng lớn mới. Đây là mối quan hệ đầy rủi ro cho Google, khi mà OpenAI có thể cuối cùng sử dụng chính hạ tầng điện toán đám mây và chip AI Google để lật đổ sản phẩm tìm kiếm chủ lực của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Đầu tháng 7, OpenAI âm thầm thêm Google Cloud vào danh sách công khai các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây mà họ đang sử dụng, bên cạnh Microsoft và Oracle.

Đáng chú ý, doanh thu của Google Cloud đã tăng vọt trong quý 2/2025 lên 13,6 tỉ USD, so với 10,3 tỉ USD cùng kỳ năm trước. Google cho rằng một phần đáng kể của sự tăng trưởng này đến từ nền tảng Google Cloud và các sản phẩm khác mà hãng cung cấp cho các công ty AI. Quy mô Google Cloud vẫn còn nhỏ so với mảng tìm kiếm, nhưng rõ ràng đang tăng trưởng nhanh chóng trong kỷ nguyên AI.

Nhiều công ty AI chọn Google Cloud làm đối tác

Nhiều phòng thí nghiệm AI lớn đã chọn Google Cloud làm đối tác điện toán đám mây, gồm cả Anthropic, Safe Superintelligence của Ilya Sutskever (đồng sáng lập và cựu giám đốc khoa học OpenAI), World Labs của nhà khoa học máy tính Fei-Fei Li và giờ là cả OpenAI.

Sundar Pichai cho biết Google đã thành công trong việc giành được các thỏa thuận với các phòng thí nghiệm AI lớn, nhờ vào nguồn cung dồi dào chip AI Nvidia và TPU (Tensor Processing Unit) nội bộ của công ty.

Fei-Fei Li là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI và thị giác máy tính. Bà được biết đến như là “mẹ đẽ của ImageNet” - dự án dữ liệu hình ảnh khổng lồ đã góp phần thúc đẩy làn sóng học sâu hiện đại.

TPU là loại chip xử lý chuyên dụng do Google thiết kế riêng cho AI, đặc biệt là các tác vụ sử dụng thư viện TensorFlow. TensorFlow là thư viện mã nguồn mở do Google phát triển, dùng để xây dựng và huấn luyện các mô hình học máy và học sâu. Cụ thể hơn, TensorFlow là bộ công cụ lập trình AI mạnh mẽ của Google, giúp máy tính học từ dữ liệu, ra quyết định, nhận diện hình ảnh, hiểu ngôn ngữ…

OpenAI chọn Google Cloud làm đối tác có vẻ là động thái thông minh bởi công ty khởi nghiệp này đang thiếu hụt GPU (bộ xử lý đồ họa của Nvidia), thứ họ cần để huấn luyện các mô hình AI mới và cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người dùng ChatGPT.

Những hạn chế đó đã trở thành điểm căng thẳng lớn với Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất và cũng là đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chính cho OpenAI). Điều này buộc OpenAI phải tìm đến các đối tác khác trong thị trường điện toán đám mây, điển hình là Google Cloud, Oracle và CoreWeave.

Về mảng sản phẩm AI, Google đang làm tốt hơn kỳ vọng ban đầu. Hãng cho biết chatbot Gemini của mình hiện đã đạt 450 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, còn tính năng AI Overviews đạt mốc 2 tỉ người dùng mỗi tháng.

AI Mode đã tăng lên 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng chỉ sau hai tháng kể từ khi Google công bố bắt đầu triển khai quy mô lớn trong hội nghị nhà phát triển thường niên I/O của mình.

Tuy nhiên, cách các sản phẩm AI này tạo ra doanh thu vẫn chưa rõ ràng, cũng như tỷ lệ truy vấn mà chúng đang chiếm từ Google Search.

Thỏa thuận giúp Google đi lên, Yahoo tụt dốc

Thật khó hình dung Sundar Pichai thực sự "hào hứng" như thế nào khi hợp tác cùng OpenAI - mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay với Google Search. Mối quan hệ hợp tác này gợi nhớ đến thỏa thuận giữa Google và Yahoo năm xưa. Khi đó, Google chỉ là công ty khởi nghiệp non trẻ, từng dùng chính trang chủ Yahoo để phát triển, rồi sau đó vượt mặt Yahoo để trở thành “cánh cổng chính” của internet.

Mối quan hệ giữa OpenAI và Google sẽ kéo dài bao lâu vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

sundar-pichai-ceo-alphabet-nhan-226-trieu-usd-vao-2022.jpg
Sundar Pichai nói “rất hào hứng” khi Google Cloud cung cấp tài nguyên điện toán đám mây cho OpenAI nhưng một số người thấy lo cho Alphabet - Ảnh: Internet

Năm 2000, khi Google vẫn còn là công ty khởi nghiệp non trẻ, Yahoo (lúc đó là cổng thông tin lớn nhất internet) đã ký một thỏa thuận có vẻ đơn giản nhưng về sau lại trở thành bước ngoặt lịch sử của ngành công nghệ.

Theo thỏa thuận này, Yahoo sử dụng Google Search để cung cấp kết quả tìm kiếm cho người dùng ngay trên trang Yahoo.com. Mỗi khi người dùng gõ từ khóa tìm kiếm, hệ thống của Google sẽ xử lý và trả kết quả, kèm theo dòng chữ nhỏ Powered by Google (Dùng công nghệ Google). Với một công ty chưa được nhiều người biết đến như Google thời điểm đó, đây chẳng khác nào một chiến dịch quảng bá miễn phí quy mô toàn cầu.

Lý do Yahoo đưa ra quyết định này cũng khá dễ hiểu. Dù là gã khổng lồ internet thời bấy giờ, Yahoo lại không đầu tư mạnh vào công cụ tìm kiếm của riêng mình, thay vào đó tập trung vào mô hình “cổng thông tin” tích hợp tin tức, email, thể thao, giải trí... Google thì ngược lại khi sở hữu công nghệ tìm kiếm vượt trội, nhanh hơn, thông minh hơn và dễ mở rộng quy mô. Việc dùng Google Search giúp Yahoo có ngay một công cụ tìm kiếm hiệu quả mà không cần phát triển nội bộ.

Tuy nhiên, hệ quả của thỏa thuận này lại nằm ngoài dự đoán của Yahoo. Hàng triệu người dùng bắt đầu nhận ra rằng những kết quả tìm kiếm tốt mà họ thấy khi dùng Yahoo thực ra là nhờ Google. Tên tuổi Google dần được biết đến rộng rãi và nhiều người bắt đầu vào thẳng trang Google.com để tìm kiếm, thay vì thông qua Yahoo. Khi Yahoo nhận ra điều đó và quay lại phát triển công cụ tìm kiếm riêng vào năm 2003 thì đã bị Google bỏ xa trên đường đua.

Google sau đó tiếp tục phát triển vượt bậc, trở thành công ty thống trị thị trường tìm kiếm và lên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2004. Trong khi đó, Yahoo bắt đầu chuỗi ngày sa sút, đánh mất vị thế dẫn đầu và cuối cùng là bị bán lại sau nhiều năm trượt dốc.

Thỏa thuận năm xưa giữa Yahoo và Google thường được nhắc đến như một bài học kinh điển trong giới công nghệ: Công ty lớn thuê công nghệ của đối thủ nhỏ hơn mà không ý thức được rằng đang tạo điều kiện cho đối tác trưởng thành, thậm chí vượt mặt chính mình. Giới phân tích thường mô tả giai đoạn đó bằng một câu ngắn gọn mà sắc lạnh: “Google đã dùng lưng Yahoo để nhảy lên thống trị thế giới tìm kiếm”.

Alphabet gây bất ngờ khi tăng chi tiêu vốn sau khi vượt kỳ vọng lợi nhuận

Hôm 23.7, Alphabet đã trích dẫn nhu cầu khổng lồ với các dịch vụ điện toán đám mây của mình khi công ty nâng kế hoạch chi tiêu vốn trong năm lên khoảng 85 tỉ USD và dự đoán sẽ tăng thêm vào 2026.

Báo cáo tài chính quý 2/2025 từ Alphabet đã vượt xa ước tính của Phố Wall về doanh thu, lợi nhuận hàng quý nhờ các tính năng AI mới và thị trường quảng cáo kỹ thuật số ổn định.

Tăng trưởng doanh thu được thúc đẩy bởi doanh số của Google Cloud, tăng gần 32%, cao hơn nhiều so với ước tính tăng 26,5% từ các nhà phân tích.

"Với nhu cầu mạnh mẽ và ngày càng tăng với các sản phẩm cùng dịch vụ đám mây của chúng tôi, Alphabet đang tăng cường đầu tư vào chi tiêu vốn", CEO Sundar Pichai cho biết.

Cổ phiếu của Alphabet (tăng hơn 18% kể từ báo cáo tài chính quý 1/2025 vào tháng 4) ban đầu giảm trong giao dịch mở rộng hôm 23.7, trước khi phục hồi do các lãnh đạo công ty chia sẻ chi tiết về nhu cầu đám mây mạnh mẽ trong cuộc gọi với nhà phân tích.

Thế nhưng, các nhà đầu tư đã bất ngờ trước kế hoạch tăng chi tiêu vốn của Alphabet.

"Tôi không nghĩ ai mong đợi một sự thay đổi với hướng dẫn chi tiêu vốn năm 2025. Google đã có một quý tuyệt vời, nhưng lại bị lu mờ bởi khoản tăng thêm 10 tỉ USD này", Dave Wagner, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors, cho biết.

Chi tiêu vốn của Alphabet dự kiến sẽ tăng thêm vào năm 2026 do nhu cầu và cơ hội tăng trưởng, Giám đốc tài chính Anat Ashkenazi lý giải.

Anat Ashkenazi nói thêm rằng dù tốc độ triển khai máy chủ đã được cải thiện, Alphabet vẫn phải đối mặt nhu cầu khách hàng về các dịch vụ đám mây của mình nhiều hơn khả năng cung cấp.

Google trước đó đã cam kết khoảng 75 tỉ USD chi tiêu vốn trong năm 2025, một phần trong hơn 320 tỉ USD mà các hãng công nghệ lớn dự kiến sẽ đổ vào việc xây dựng năng lực AI.

Số lượng khách hàng mảng Google Cloud tăng 28%

Sự phát triển của AI đã thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ điện toán đám mây. Google Cloud vẫn còn tụt lại phía sau Amazon Web Services và Microsoft Azure về tổng doanh thu, nhưng đã cố gắng giành thị phần bằng cách quảng bá các dịch vụ AI, gồm cả TPU nội bộ để cạnh tranh với GPU Nvidia.

Sundar Pichai cho biết số lượng khách hàng của mảng Google Cloud đã tăng 28% so với quý 1/2025.

“Danh mục AI toàn diện, dải sản phẩm rộng, gồm cả việc cung cấp các mô hình AI của chúng tôi trên cả GPU và TPU – tất cả đều đang thúc đẩy nhu cầu”, ông nói.

Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu vốn làm dấy lên lo ngại về tốc độ kiếm tiền của Alphabet và tác động từ đó đến khả năng sinh lời trong ngắn hạn, nhà phân tích cấp cao Jesse Cohen của hãng Investing nhận xét.

Alphabet và các công ty cùng ngành đã bảo vệ việc chi tiêu cho AI mạnh mẽ của họ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ Trung Quốc và sự thất vọng của nhà đầu tư với các khoản lợi nhuận chậm hơn dự kiến. Họ lý giải rằng những khoản đầu tư khổng lồ đó là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện sản phẩm.

Doanh thu quảng cáo của Google tăng 10,4%

Các tính năng AI của Google Search như AI Overviews và AI Mode cũng đang giúp công ty tăng mức độ tương tác, đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các chatbot như ChatGPT đã trở nên phổ biến.

Doanh thu quảng cáo của Google, chiếm khoảng 3/4 tổng doanh thu của Alphabet, đã tăng 10,4% lên mức 71,34 tỉ USD trong quý 2/2025, vượt kỳ vọng 69,47 tỉ USD từ các nhà phân tích, theo dữ liệu từ LSEG.

LSEG là tổ chức tài chính cung cấp dữ liệu thị trường, nền tảng giao dịch, và phân tích tài chính toàn cầu.

"Hy vọng điều này sẽ làm giảm bớt những lo ngại của cộng đồng đầu tư, vốn lo lắng rằng các sản phẩm như ChatGPT có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng truy vấn tìm kiếm của Google", Dan Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại hãng Synovus Trust, bình luận.

Alphabet báo cáo tổng doanh thu quý 2/2025 là 96,43 tỉ USD, so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là khoảng 94 tỉ USD, theo dữ liệu do LSEG tổng hợp.

Tập đoàn Mỹ báo cáo lợi nhuận 2,31 USD trên mỗi cổ phiếu trong giai đoạn này, vượt ước tính 2,18 USD trên mỗi cổ phiếu, theo dữ liệu của LSEG.

    Nổi bật
        Mới nhất
        CEO Sundar Pichai 'hào hứng' khi Google và OpenAI hợp tác, gợi nhớ về thỏa thuận làm Yahoo tụt dốc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO