Cấm xe máy chạy xăng: Không nên trì hoãn, nhưng cần hỗ trợ người dân chuyển đổi
PGS-TS Bùi Thị An cho rằng việc cấm xe máy chạy xăng là đúng đắn, nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng mức độ ảnh hưởng cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi phù hợp cho người dân.
Không để xáo trộn lớn với dân
Ngày 12.7, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20, trong đó yêu cầu Hà Nội thực hiện hàng loạt biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường. Nội dung đáng chú ý là yêu cầu chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1 từ ngày 1.7.2026.
Tiếp đó, từ ngày 1.1.2028, Hà Nội sẽ bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, dầu trong đường vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, việc hạn chế sẽ mở rộng với toàn bộ phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch trong khu vực đường vành đai 3.
Dù đánh giá đây là chủ trương đúng đắn, nhưng không ít người dân vẫn bày tỏ lo ngại khi thời gian đến lúc áp dụng không còn nhiều, trong khi chưa rõ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, cũng như mức độ đáp ứng trạm sạc hay phương tiện công cộng.

Trả lời phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh nhằm giúp giảm ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn như TP.Hà Nội là rất đúng đắn.
“Điều này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời cải thiện chất lượng sống của người dân cũng như tăng sức hấp dẫn của Hà Nội với thế giới. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn đối với Hà Nội, dù vấn đề này đã được chính quyền địa phương đặt ra từ khá lâu”, bà An nói.
Theo bà An, để triển khai chính sách, cần đánh giá kỹ lưỡng mức độ ảnh hưởng đối với người đang sở hữu xe máy chạy xăng hoạt động ở các khu vực dự kiến cấm; từ đó đề ra biện pháp hỗ trợ chuyển đổi cho người dân. “Chắc chắn sẽ có xáo trộn, nhưng đừng để xáo trộn quá nhiều đến cuộc sống của người dân”, bà An nêu.
Ngoài ra, bà An đề nghị đầu tư cho hạ tầng giao thông xanh. “Việc xây dựng các trạm sạc điện thay cho các trạm xăng đã triển khai thế nào? Nếu xếp hàng cả tiếng mới có thể sạc điện được thì rất bất tiện”, bà An nói.
Nữ chuyên gia cũng cho rằng hạ tầng cho phương tiện công cộng cũng cần phải tiện lợi, để người dân dễ dàng tiếp cận mà không phải di chuyển quá xa mới đến bến xe buýt, metro. Mặt khác, cần chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu, thông cảm, chia sẻ và chung tay với thành phố để thực hiện mục tiêu này.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên bàn lùi nữa, phải thực hiện, dù điều này có rất nhiều khó khăn”, bà An nói.
Nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho dân
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp - Môi trường) cho hay để thực hiện chính sách hạn chế xe xăng phải làm rất nhiều việc, trong đó phải rà soát lại hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Ví dụ như quy chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành mà bộ đã ban hành, tới đây bộ sẽ ban hành tiếp quy chuẩn về khí thải về mô tô và xe gắn máy, trong đó có quy định lộ trình kiểm chuẩn các phương tiện từ mô tô, xe máy”.
Đơn cử, Hà Nội sẽ phải kiểm chuẩn xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 1.7.2027 để đạt được lộ trình đó thì các địa phương như TP.Hà Nội phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất: điểm kiểm chuẩn khí thải phương tiện hay các cơ chế chính sách khác, cũng tham mưu phối hợp cùng Bộ Tài chính thu hút nguồn lực đầu tư.
“Chúng ta chuyển đổi xanh phải có cơ chế hỗ trợ chính sách, ngân sách từ trung ương đến địa phương. Hay trong việc kiểm soát xử phạt vi phạm hành chính thì bộ cũng đang sửa đổi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, ông Thức nói.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng theo thói quen, xe máy đang thuận tiện, hoặc hệ thống giao thông công cộng chưa thuận lợi nên người dân cũng ngại. Do đó, người dân cũng cần phải thay đổi để tăng cường tham gia giao thông công cộng hơn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, góp phần đỡ ùn tắc giao thông.
“Tôi cho rằng chỉ có sự quyết liệt trong các chính sách và sự tham gia đồng lòng của người dân thì chúng ta mới thành công, với mục đích tối thượng là bảo vệ môi trường không khí của chúng ta”, ông Tùng nói.
Trả lời báo chí về lộ trình triển khai, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết sẽ thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện xe xăng, dầu sang xe điện.
"Các chính sách hỗ trợ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa, trên nền tảng các số liệu tổng hợp, rà soát, thống kê chi tiết cho khoảng 450.000 xe máy chạy xăng trong đường vành đai 1. Thành phố cũng thiết lập các chính sách bổ trợ như thu đổi xe xăng sang xe điện, chi phí liên quan việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới sẽ được hỗ trợ gần như 100%", ông Tuấn cho hay.
Lãnh đạo Hà Nội cho hay với chính sách chuyển đổi phương tiện cá nhân, thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực.
Hà Nội dự kiến tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ khoảng 8 - 12 chỗ, nghiên cứu xe điện 4 chỗ để trung chuyển trong vành đai 1. Các phương tiện khác bên ngoài muốn vào trong vành đai 1 sẽ chuyển hóa theo mạng lưới trong vành đai 1. Bên cạnh đó, các phương tiện vận tải hành khách công cộng được gia tăng, đẩy nhanh các tuyến đường sắt đô thị.
Thành phố cũng sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư...
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (cũ) đến hết năm 2024, Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương).
Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy, khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Phương tiện tại Hà Nội tăng 4 - 5%/năm, nhanh gấp 11 - 17 lần tốc độ mở rộng đường. Ô tô cá nhân tăng khoảng 10%/năm, vượt hơn 30 lần tốc độ gia tăng quỹ đất giao thông.