Thời sự

Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây kè chống sạt lở

Trần Khải 23/07/2025 14:38

50 vụ sạt lở, hầu hết xảy ra tại các địa phương ven biển, nơi có biên độ triều cao, dòng chảy xiết và địa chất yếu, gây thiệt hại cho Cà Mau khoảng 16 tỉ đồng.

Sạt lở diễn tiến phức tạp

Khoảng hơn 1 tháng nay, tình trạng sạt lở đất bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tục xảy ra, làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra trên 50 vụ sạt lở, sụt lún, gây thiệt hại khoảng 16 tỉ đồng. Hầu hết, các vụ sạt lở thường xảy ra tại các địa phương ven biển, nơi có biên độ triều cao, dòng chảy xiết và địa chất yếu.

Cà Mau là địa phương có địa hình thấp, thường xuyên bị ngập do ảnh hưởng bởi dòng chảy, triều cường từ cả biển Đông lẫn biển Tây. Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng, tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản, đất sản xuất của người dân; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của cư dân khu vực ven biển, ven sông, kênh rạch.
Những năm qua, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất bờ sông

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau), trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, khu vực tỉnh Cà Mau (cũ) sạt lở xảy ra tại khóm Sa Phô (ven sông Cửa Lớn) thuộc địa bàn xã Năm Căn, có chiều dài khoảng 700m. Khu vực này có khoảng 40 hộ dân sinh sống và khoảng 25 trại sản xuất cung cấp con giống thủy sản cho địa bàn huyện Năm Căn (cũ) và các địa phương lân cận.

“Hiện nay, ở khu vực này tình trạng sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của người dân. Đặc biệt, có nhiều cơ sở sản xuất nên rất khó để di dời người dân đến nơi an toàn. Vừa qua, khóm Sa Phô sạt lở nghiêm trọng. Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chỉ đạo đơn vị có liên quan đưa vào đề án phòng chống sạt lở, sụt lún đất, ngập ún, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL”, một lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Cà Mau thông tin.

Tại khu vực cửa biển Bồ Đề, xã Tam Giang Đông (cũ) nay là xã Tam Giang, đoạn lộ giao thông nông thôn dọc theo bờ sông Cửa Lớn dài khoảng 750m đã bị sạt lở khoảng 200m, làm hư hỏng hạ tầng giao thông và nguy cơ làm tràn bờ, bể bờ bao vuông tôm, ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản của người dân.

Hiện phần còn lại của đoạn lộ có nguy cơ cao bị sạt lở tiếp. Riêng đoạn giáp biển cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đánh làm sạt bờ vuông tôm của người dân, khiến một số vuông tôm không còn sản xuất được.

Khu vực bờ biển Đông, đoạn từ cửa biển ấp Hạp đến cửa biển Giá Cao, xã Tân Thuận do Ban quản lý rừng phòng hộ Đầm Dơi quản lý có đai rừng tiếp giáp với biển dài 5km. Thời gian qua, tình hình sạt lở ở đoạn này diễn ra phức tạp, có nhiều điểm xoáy sâu vào trong đất rừng phòng hộ, làm đổ ngã, chết cây rừng và đất rừng giao khoán cho dân, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trong khu vực.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 50 vụ sạt lở đất, thiệt hại hơn 16 tỉ đồng. May mắn không có thiệt hại về người. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (cũ) đã xảy ra 4 vụ sạt lở lở đất ven sông với tổng chiều dài 145m, gây thiệt hại, hư hỏng 18 căn nhà, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Riêng tỉnh Cà Mau (cũ) ghi nhận 46 vụ sạt lở đất ven sông với chiều dài hơn 1.200m, thiệt hại 2 cống xổ vuông tôm, hư hỏng 26 căn nhà.
Sạt lở đất làm khu vực kè và sân miếu bà Thủy Long, xã Thanh Tùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Khu vực kè và sân miếu bà Thủy Long, xã Thanh Tùng dài khoảng 60m cũng bị sạt lở. Tại hiện trường, chính quyền địa phương đã lắp đặt biển cảnh báo, khẩn trương triển khai công tác khắc phục tạm bằng cách gia cố cừ dừa, cừ tram để hạn chế sạt lở, đảm bảo ổn định cho khu di tích.

Ngoài ra, sạt lở còn xảy ra tại khu vực tỉnh Bạc Liêu (cũ) như: đoạn bờ kênh phía tây hạ lưu cống Nhà Mát; đoạn bờ kênh phía đông hạ lưu cống Cây Gừa; đoạn bờ sông Gành Hào; sụp lún đoạn lộ Vịnh gió ngược… gây ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và đời sống, sản xuất của hàng chục hộ dân.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây kè

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 83km bờ biển đang sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Điều này, đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đầu tư xử lý, bảo vệ dân cư, tài nguyên và hệ sinh thái ven biển.

Để khắc phục, địa phương đã sử dụng cọc bằng gỗ dừa xịa gia cố để hạn chế sạt lở, bảo vệ bờ sông.
Để khắc phục, địa phương đã sử dụng cọc bằng gỗ dừa xịa gia cố để hạn chế sạt lở, bảo vệ bờ sông

Ông Đỗ Minh Điền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết: “Trước diễn biến sạt lở phức tạp và nghiêm trọng, chúng tôi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo UBND tỉnh đề xuất với Trung ương hỗ trợ khẩn cấp nguồn vốn để xử lý các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Nếu không kịp thời triển khai, hậu quả sẽ rất lớn, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống và sản xuất của người dân”.

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo xử lý 4 khu vực sạt lở nghiêm trọng và Chi cục Thủy lợi đang phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo. Nhiều dự án kè phòng, chống sạt lở đã được tỉnh Cà Mau phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, có dự án chống xói lở đoạn còn lại giữa bờ biển Vĩnh Trạch Đông (cũ) và phường Hiệp Thành, dài 4,2km, tổng kinh phí 250 tỉ đồng; dự án đoạn kè G6 (điểm đầu tại Rạch Cóc, điểm cuối tại ngã 3 sông Gành Hào) thuộc huyện Đông Hải (cũ) có kinh phí thực hiện 480 tỉ đồng; dự án xây kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu có kinh phí thực hiện 700 tỉ đồng hiện đang trình xin vốn Trung ương để đầu tư xây dựng…

Ngoài ra, Cà Mau đã đề xuất và triển khai nhiều dự án kè phòng, chống sạt lở sử dụng vốn ODA, ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm, kết hợp kè chống sạt lở từ cửa biển Sông Đốc đến Bảy Háp, tổng kinh phí 826 tỉ đồng, sử dụng vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); dự án phối hợp với tỉnh Kiên Giang (cũ) bảo vệ ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn, xây dựng khoảng 7km kè, tổng kinh phí 245 tỉ đồng.

Xây kè kiên cố là giải pháp bền vững, giúp hạn chế được tình trạng sạt lở đất ven sông diễn ra phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, để triển khai cần nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi thời gian và lộ trình thực hiện cụ thể.
Xây kè kiên cố là giải pháp bền vững, giúp hạn chế được tình trạng sạt lở đất ven sông

Trước tính chất khẩn cấp của các khu vực sạt lở, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương sớm xem xét, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã có chủ trương đầu tư, đặc biệt là những công trình ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đồng thời, tỉnh đề xuất lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ứng phó biến đổi khí hậu để triển khai nhanh, hiệu quả các dự án.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây kè chống sạt lở
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO