ByteDance, Huawei, Alibaba gặp thách thức ở Trung Quốc, đổ sang Dubai cạnh tranh với Google và Microsoft
Chính sách thân thiện với công nghệ của Dubai (UAE) trở thành cú hích cho các công ty Trung Quốc đang đối mặt với thách thức trong nước và muốn đẩy mạnh mở rộng ra nước ngoài.
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, từ ByteDance, Huawei đến Alibaba, đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của Dubai khi tiểu vương quốc này nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, vốn từng phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ.
Trung tâm của quá trình chuyển mình này là Dubai Internet City (DIC) – công viên công nghệ nằm gần khu Palm Jumeirah sang trọng, một quần đảo nhân tạo hình cây cọ và là nơi đặt trụ sở của các hãng công nghệ toàn cầu như Microsoft, Google và Amazon cùng những đối thủ đến từ Trung Quốc.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, hiện thuê nhiều tầng trong một tòa nhà tại Dubai Internet City với tầm nhìn tuyệt đẹp ra bờ biển. Việc ông Chew Shou Zi, Giám đốc điều hành TikTok, đến thăm văn phòng tại Dubai vào năm 2024 cho thấy cam kết của công ty trong việc mở rộng hiện diện tại đây.
Angela Ji, một công dân Trung Quốc làm việc tại văn phòng TikTok ở Dubai được hai năm, cho biết công ty có chính sách đãi ngộ hấp dẫn với nhân viên Trung Quốc sẵn sàng chuyển công tác. Theo Angela Ji, văn phòng này hiện có hàng trăm nhân viên.
“Dubai cho tôi cảm giác như đang sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, nơi các hãng công nghệ vẫn mạnh tay chi tiêu để mở rộng và tuyển dụng. Điều đó khiến Dubai rất khác biệt so với Trung Quốc và các nơi khác”, Angela Ji (người từng làm việc tại ByteDance ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) chia sẻ với trang SCMP.

Các sáng kiến của Dubai để tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới
Sau khi giảm tỷ trọng sản xuất dầu trong GDP từ 50% thế kỷ trước xuống dưới 1% hiện nay, Dubai đang tích cực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới ở lĩnh vực công nghệ.
Sự trỗi dậy của ngành công nghệ tại đây chủ yếu được thúc đẩy bởi các sáng kiến từ chính quyền, chẳng hạn chương trình “thành phố thông minh” do Cơ quan Kỹ thuật số Dubai và những tổ chức khác triển khai. Chính quyền cũng đã thành lập các khu “tự do thương mại” như Dubai Internet City và Dubai Silicon Oasis – khu công nghiệp cho phép thành lập công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của nước ngoài.
Những chính sách thân thiện với công nghệ này của Dubai mang đến lợi ích cho các công ty Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nước và cần mở rộng ra nước ngoài nhanh chóng.
Số lượng công dân Trung Quốc tại Dubai đang ngày càng tăng, nhiều người trong số họ có khả năng chi trả mức giá thuê nhà cao tại các khu vực sống đắt đỏ như Dubai Marina và Palm Jumeirah, theo Wang Yu – nhà môi giới bất động sản người Trung Quốc đã sống ở Dubai 10 năm.
Huawei coi Dubai là trung tâm tại Trung Đông
Đã mở văn phòng khu vực tại Dubai Internet City từ năm 2016, Huawei hiện coi Dubai là trung tâm cho các hoạt động viễn thông, dịch vụ đám mây và điện tử tiêu dùng tại Trung Đông. Tại UAE, Huawei sở hữu 6 cửa hàng bán lẻ, trong đó có đến 4 cái ở Dubai.
Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Huawei ở Dubai cho biết smartphone của hãng ngày càng được người tiêu dùng địa phương và Trung Quốc ưa chuộng những năm gần đây, đặc biệt là mẫu smartphone gập đôi Mate X6 ra mắt tháng 12.2024 và Mate XT gập ba trình làng tháng 2.

Mate XT là một trong những sản phẩm nổi bật của Huawei trong thị trường smartphone gập, bởi đây là mẫu gập ba đầu tiên trên thế giới. Huawei công bố Mate XT vào tháng 9.2024 tại Trung Quốc và ra mắt toàn cầu hồi tháng 2.2025.
Thiết kế và màn hình
Thiết kế gập ba độc đáo: Mate XT có khả năng gập lại hai lần, biến nó từ một chiếc máy tính bảng lớn thành điện thoại nhỏ gọn hơn. Khi mở hoàn toàn, Mate XT có màn hình rộng tới 10.2 inch với độ phân giải cao 2232 x 3184 pixel.
Các chế độ màn hình
Màn hình chính lớn (khi mở hoàn toàn): 10,2 inch, lý tưởng cho công việc, giải trí đa phương tiện.
Màn hình phụ (khi gập một lần): Khoảng 7,9 inch, phù hợp cho đa nhiệm.
Màn hình cover (khi gập hoàn toàn): Khoảng 6,4 inch, hoạt động như điện thoại thông thường và dễ dàng cầm một tay khi sử dụng.
Độ mỏng ấn tượng: Một trong những điểm đáng chú ý của Mate XT là độ mỏng. Khi mở ra, smartphone gập ba này chỉ dày khoảng 3,6 mm, mỏng hơn cả một cây bút chì. Khi gập lại, độ dày máy khoảng 12,8 mm.
Chất liệu cao cấp: Mate XT được cấu tạo từ kính siêu mỏng và khung kim loại, mang lại cảm giác sang trọng và cao cấp.
Dòng smarphone chủ lực mới nhất của Huawei là Pura 80, ra mắt vào tuần trước, cũng được đón nhận tích cực. Một số mẫu đã cháy hàng ngay trong ngày đầu tiên mở bán, theo nhân viên này.
Trong lĩnh vực dịch vụ đám mây, Huawei đang cạnh tranh với Alibaba, Microsoft, Google và Amazon để giành khách hàng ở Trung Đông. Năm ngoái, tại hội chợ Gitex Global – một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất khu vực này, Huawei đã ra mắt nền tảng Hybrid Cloud Stack 8.5 dành cho Trung Đông và Trung Á. Hiện Huawei có tới 6.000 đối tác tại Trung Đông và châu Phi.
Hybrid Cloud Stack 8.5 là một nền tảng điện toán đám mây lai do Huawei Cloud (đơn vị thuộc Huawei) phát triển. Đám mây lai là giải pháp kết hợp giữa đám mây công cộng (chia sẻ hạ tầng, tiết kiệm chi phí) với đám mây riêng (kiểm soát bảo mật và dữ liệu tốt hơn).
Alibaba Cloud, đơn vị điện toán đám mây của Alibaba, đã mở trung tâm dữ liệu tại Dubai từ năm 2016. Năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc còn thành lập Trung tâm Đào tạo Trung Đông & châu Phi tại Dubai Internet City nhằm tổ chức huấn luyện, hội thảo và cấp chứng nhận cho đối tác và khách hàng.
Trong khi đó, nền tảng mua sắm quốc tế AliExpress của Alibaba đang mang nhiều hàng hóa Trung Quốc đến Trung Đông, từ xe điện đến kính thực tế tăng cường (AR). Trong lễ hội mua sắm giữa năm 618, AliExpress cho biết 65% doanh số toàn cầu của hãng sản xuất kính thông minh Rokid (Trung Quốc) đến từ Trung Đông.
618 là một trong những sự kiện mua sắm trực tuyến lớn và quan trọng nhất năm tại Trung Quốc, chỉ đứng sau lễ hội Ngày Độc thân (11.11).
618 là viết tắt của ngày 18.6. Ban đầu, đây là ngày mà JD.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, kỷ niệm ngày thành lập của mình (18.6.2010). JD.com đã tạo ra lễ hội này như một cách để cạnh tranh với lễ hội mua sắm 11.11 của Taobao thuộc Alibaba.
Theo thời gian, 618 đã phát triển và trở thành sự kiện khuyến mãi lớn của toàn bộ ngành thương mại điện tử Trung Quốc, với sự tham gia của nhiều nền tảng khác như Tmall (Alibaba), Pinduoduo và gần đây là cả TikTok Shop.
Dù mang tên 618 nhưng các chương trình khuyến mãi của lễ hội này thường bắt đầu sớm hơn, có thể từ đầu tháng 6 và kéo dài đến hết ngày 18.6. Đây là thời điểm mà các nhà bán lẻ và thương hiệu đưa ra hàng loạt chương trình giảm giá cùng các hoạt động khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Các nền tảng và thương hiệu cạnh tranh rất gay gắt trong thời gian này để giành thị phần.
618 cũng được coi là một phép thử quan trọng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong nửa đầu năm.
Nhìn chung, 618 tương tự sự kiện Black Friday hay Cyber Monday ở phương Tây, nơi người tiêu dùng có thể săn được rất nhiều món hời từ đủ mọi ngành hàng.
Tiềm năng tăng trưởng cực kỳ lớn cho các hãng ô tô Trung Quốc
Ngành ô tô là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Trên đại lộ Sheikh Zayed - một trong những tuyến đường chính của Dubai, người dân dễ dàng bắt gặp phòng trưng bày của các hãng xe Trung Quốc như BYD (công ty sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới), Nio và Zeekr, nằm ngay cạnh những thương hiệu hạng sang như Rolls-Royce và Bentley.
Thị trường Trung Đông được đánh giá là có “tiềm năng tăng trưởng cực kỳ lớn” cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Giai đoạn phát triển hiện tại tương đồng với thời kỳ bùng nổ xe hơi tại Trung Quốc đầu những năm 2000, theo báo cáo từ công ty tư vấn Roland Berger.
Ngay cả lĩnh vực ô tô tự hành cũng đang có bước tiến. công ty Pony.ai (có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc) đã hợp tác với Cơ quan Đường bộ và Giao thông Dubai để tiến hành thử nghiệm robotaxi (taxi tự lái) trong năm nay, với mục tiêu triển khai dịch vụ thương mại không người lái hoàn toàn.