BYD có tháng kinh doanh tốt nhất trong năm nay vào tháng 6, trong khi Geely Auto đang hướng tới doanh số kỷ lục sau nửa đầu năm đầy ấn tượng.
Các hãng sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc như BYD và Geely Auto tiếp tục duy trì đà bán hàng mạnh mẽ trong tháng 6 nhờ vào đợt giảm giá sâu nhằm thu hút người mua mới, qua đó giúp họ gia tăng thị phần và gây áp lực lớn lên đối thủ nhỏ hơn chưa có lợi nhuận.
BYD (nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới) đã giao 382.585 xe trong tháng 6, mức cao nhất từ đầu năm 2025 đến nay, theo hồ sơ công bố ngày 1.7 của công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Dù doanh số ô tô điện của BYD không thay đổi nhiều so với tháng 5, nhưng đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Geely Auto (hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai Trung Quốc sau BYD) đã nâng mục tiêu tăng cả năm thêm 11% sau khi ghi nhận doanh số nửa đầu năm ấn tượng.
“Nhiều người tiêu dùng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định mua xe. Tuy nhiên lo ngại đang gia tăng rằng doanh số sẽ sụt giảm mạnh khi các hãng ô tô ngừng chương trình giảm giá”, ông Zhao Zhen, Giám đốc bán hàng tại đại lý ô tô Wan Zhuo Auto ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết.
Giảm giá 70 mẫu xe
Trong tuần cuối tháng 5, các công ty ở Trung Quốc đã giảm giá tổng cộng 70 mẫu ô tô điện và xe chạy xăng, tận dụng các khoản trợ cấp của chính phủ để thu hút khách hàng, theo báo 21st Century Business Herald. Trung Quốc đang hỗ trợ 20.000 nhân dân tệ (2.790 USD) cho mỗi ô tô điện khi đổi xe cũ và 15.000 nhân dân tệ cho ô tô chạy bằng xăng. Ngoài ra, người mua ô tô điện cũng được miễn 10% thuế bán hàng.
21st Century Business Herald là một tờ báo kinh doanh - tài chính hàng đầu tại Trung Quốc, xuất bản năm lần một tuần vào các ngày làm việc.
Geely Auto, hãng sản xuất cả ô tô xăng và xe điện, đã giao 1,41 triệu chiếc tại Trung Quốc và thị trường nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, tăng vọt 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo công bố ngày 1.7. Công ty đã nâng mục tiêu cả năm thêm 11% lên mức kỷ lục 3 triệu xe.
Công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) cho biết thương hiệu ô tô điện giá rẻ Galaxy đã tăng trưởng doanh số 232% lên 548.408 xe trong 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ 2024. Trong khi thương hiệu ô tô điện cao cấp Zeekr của Geely Auto ghi nhận mức tăng 14,5% lên 244.877 xe nửa đầu năm nay.
Các nhà sản xuất ô tô điện khác cũng ghi nhận kết quả khả quan. Có trụ sở tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Xpeng đã giao 34.611 ô tô điện trong tháng 6 đầu năm 2025, tăng 224% so với cùng kỳ 2024 và tăng 3,2% so với tháng 5.
Nio (hãng ô tô điện cao cấp có trụ sở tại Thượng Hải) giao 24.925 xe trong tháng 6, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 7,3% so với tháng 5. Đây là kết quả doanh số tháng cao thứ hai kể từ khi Nio thành lập năm 2014, chỉ sau mức kỷ lục 31.138 ô tô điện vào tháng 12.2024.
“Các khoản trợ cấp của chính phủ và đợt giảm giá sâu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả bán hàng của các hãng ô tô hàng đầu vượt kỳ vọng của chúng tôi, dù người tiêu dùng đang ngày càng thận trọng hơn do lo ngại về thu nhập”, ông Phate Zhang, nhà sáng lập trang CnEVPost, nhận định.
CnEVPost là trang tin chuyên sâu bằng tiếng Anh chuyên về xe năng lượng mới tại Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải.
Theo báo cáo của tập đoàn tài chính JPMorgan (Mỹ) công bố tháng 5, mức giảm giá trung bình đã tăng gấp đôi lên 16,8% vào tháng 4, từ trung bình 8,3% trong năm 2024. BYD đã giảm giá 22 mẫu ô tô thuần điện và xe lai sạc điện cuối tháng 5, thúc đẩy một đợt giảm giá mới. Geely Auto, Leapmotor, IM Motors cũng nhanh chóng làm theo BYD.
Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Mỹ) cho biết: “Dù một số chương trình giảm giá này đã có từ tháng 4, nhưng thông báo lần này từ BYD gửi đi một tín hiệu rõ ràng về mức độ khắc nghiệt của thị trường ô tô điện”.
“Động thái giảm giá củng cố chiến lược của BYD trong việc ưu tiên quy mô thay vì lợi nhuận tạm thời trên mỗi xe tại thị trường nội địa. Đợt khuyến mãi theo mùa này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu, tâm lý tiêu dùng thấp và cạnh tranh gay gắt”, các nhà phân tích của tập đoàn tài chính HSBC (Anh) cho biết trong một báo cáo.
JPMorgan cho biết cuộc chiến giá có thể đã làm biên lợi nhuận của ngành càng bị siết chặt hơn, sau khi giảm từ 4,3% trong năm 2024 xuống còn 3,9% vào quý 1/2025.
Trong số khoảng 50 công ty ô tô điện Trung Quốc, chỉ có ba hãng được biết đến là có lãi, gồm BYD, Li Auto (chuyên sản xuất ô tô điện thông minh cho nhóm khách hàng thu nhập trung bình), Seres (sản xuất dòng xe thông minh mang thương hiệu Aito).
Hozon New Energy Automobile gặp nhiều khó khăn hơn để tồn tại
Theo các nhà phân tích và đại lý, những công ty hoạt động kém hiệu quả như Hozon New Energy Automobile (nhà sản xuất ô tô điện thương hiệu Neta) sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong nước. Hozon New Energy Automobile đang đối mặt với đơn kiến nghị giải thể từ một công ty quảng cáo tại Thượng Hải do không thanh toán phí dịch vụ.
Doanh số ô tô điện của Hozon New Energy Automobile đã giảm 12,1% xuống còn 86.000 chiếc trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023. Kể từ đó, công ty có trụ sở tại Thượng Hải vẫn chưa công bố số liệu do gặp khó khăn tài chính.
“Giá ô tô điện hiện tại thực sự rất hấp dẫn. Giá sẽ tăng dù sớm hay muộn khi các hãng xe ngừng giảm giá, và trợ cấp của chính phủ cũng có thể bị dừng trong năm 2026”, theo bà Yu Yueqi - người tiêu dùng ở Thượng Hải dự định mua ô tô điện thay cho chiếc sedan chạy xăng.
“Cuộc chiến giá có thể đã đi quá xa”
Đầu tháng 6, ông Wei Jianjun (Chủ tịch Great Wall Motor) cảnh báo rằng nếu không được kiểm soát, cuộc chiến giá và vấn đề lợi nhuận có thể đẩy ngành ô tô điện Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản giống như China Evergrande Group.
China Evergrande Group từng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Song trong những năm gần đây, China Evergrande Group trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng nợ và thiếu thanh khoản nghiêm trọng trong ngành bất động sản nước này.
Great Wall Motor là một trong những hãng sản xuất ô tô lớn ở Trung Quốc, nổi tiếng với các dòng SUV, xe bán tải và xe điện.
Trong lĩnh vực tài chính, thanh khoản là khả năng một tài sản có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm thay đổi đáng kể giá của nó, có thể chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng và dễ dàng.
Tuy nhiên, Li Yunfei, người phụ trách thương hiệu và quan hệ công chúng của BYD, đã bác bỏ so sánh của Wei Jianjun.
“Không có Evergrande nào ở ngành ô tô trong số các nhà sản xuất chính thống của Trung Quốc. Bất kỳ phát ngôn nào hạ thấp xe năng lượng mới của Trung Quốc đều không thể chấp nhận được”, Li Yunfei viết trên nền tảng mạng xã hội Weibo.
Cuộc chiến giá có thể đã đi quá xa, theo nhận định trên Nhân dân Nhật báo.
Bài viết trên Nhân dân Nhật báo đầu tháng 6 cho rằng cuộc chiến giá “đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ngành và trật tự thị trường, đồng thời tác động đến an toàn chuỗi cung ứng”. Không nêu đích danh bất kỳ nhà sản xuất ô tô điện nào, Nhân dân Nhật báo kêu gọi các hãng xe có tư duy phát triển dài hạn và tránh tham gia vào cuộc chiến giá vì lợi ích ngắn hạn.
Tờ báo cũng cho biết Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ cạnh tranh và siết quy định, trích lời Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đại diện cho các hãng xe lớn nhất nước, đã kêu gọi các thành viên đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn độc quyền và tránh bán phá giá.
“Cuộc cạnh tranh giá xe mới nhất cho thấy mất cân bằng cung - cầu vẫn đang thúc đẩy giảm phát”, Robin Xing, nhà kinh tế về Trung Quốc của Morgan Stanley, viết trong một báo cáo.
“Dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc chuyển dịch nền kinh tế Trung Quốc sang mô hình dựa vào tiêu dùng nhiều hơn, nhưng thực tế cho thấy quy mô sản xuất quá lớn và áp lực cung vượt cầu vẫn tồn tại”, ông nói thêm.
Giảm phát là hiện tượng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế giảm xuống liên tục theo thời gian.