Nhịp đập công nghệ

Bệnh ung thư trực tràng của họa sĩ Lê Thiết Cương có thể chữa thành công bao nhiêu %?

Hồ Quang 18/07/2025 16:39

Hôm qua (17.7), họa sĩ Lê Thiết Cương (63 tuổi) đã qua đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc nuối, xót thương cho bạn bè, đồng nghiệp; đồng thời khiến nhiều người lo lắng về căn bệnh quái ác này.

Có thể điều trị triệt để, tỷ lệ sống lên đến 85%

Trước đó, không ít nghệ sĩ qua đời vì ung thư trực tràng như: ca sĩ Vương Bảo Tuấn, nhạc sĩ Trần Lập... Điều này khiến nhiều người lo lắng, thắc mắc: căn bệnh quái ác kia đã tấn công như thế nào?

can-benh-ung-thu-truc-trang-ccua-he-hoa-si-le-tiet-cuong-co -the-thanh-cong-bao-nhieu-phan-tram-hinh-anh
Một nghệ sĩ tài hoa như Lê Thiết Cương, sự ra đi của ông không chỉ là một mất mát đối với gia đình, người thân, bạn bè mà còn để lại một khoảng trống mênh mông trong giới hội họa - Ảnh: minh họa

Theo các chuyên gia y tế, trực tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa, dài khoảng 15cm. Ung thư đại trực tràng thường được dùng như một khái niệm chung, tuy nhiên do những đặc điểm riêng trong giải phẫu nên quá trình điều trị ung thư trực tràng khác so với ung thư đại tràng.

BSCK2 Ngô Quang Duy - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) phân tích, ung thư đường tiêu hóa nói chung cũng như ung thư trực tràng nói riêng thường không có triệu chứng rõ ràng, nhất là ung thư giai đoạn sớm. Bệnh chỉ biểu hiện rõ khi có biến chứng như tắc ruột, đi tiêu nhầy máu....

Nhiều người thường bỏ qua các triệu chứng vì nghĩ đó là "rối loạn tiêu hóa", nên khi phát hiện ra bệnh thường đã đến giai đoạn tiến triển, thậm chí di căn xa.

“Khi có những dấu hiệu rối loạn như đi cầu, tiêu phân sống, đi tiêu có máu hoặc nhầy máu, táo bón, sụt cân không rõ lý do cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng”, bác sĩ Duy khuyên.

Bác sĩ Ngô Quang Duy nhấn mạnh nếu được phát hiện sớm ung thư trực tràng có thể điều trị triệt để. Trường hợp ung thư trực tràng tại chỗ (lớp niêm mạc, dưới niêm mạc) có thể chỉ cần cắt u mà không cần cắt đoạn trực tràng, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt 80 - 85%. Việc phát hiện ung thư càng trễ thì tiên lượng chữa khỏi bệnh càng thấp, tỷ lệ tử vong càng cao.

“Đối với ung thư trực tràng, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, điều trị ung thư là đa mô thức, nhưng phẫu thuật cắt bỏ đoạn trực tràng mang u vẫn đóng vai trò chính, còn hóa trị và xạ trị là điều trị bổ trợ nhằm hạ giai đoạn của ung thư trước phẫu thuật”, bác sĩ Duy chia sẻ.

Ăn nhiều đạm, ít chất xơ, đồ nướng làm tăng nguy cơ

Thống kê của Globocan cho thấy ung thư đại trực tràng ngày càng có xu hướng gia tăng; độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Bệnh đứng vào top 5 các bệnh lý ung thư.

Theo bác sĩ Duy, ngoài những nguyên nhân khách quan như: phương tiện chẩn đoán tốt, hiện đại, người dân đi khám để tầm soát sớm thì chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, đồ ăn nhanh, đồ chiên, nướng, hóa chất bẩn... cũng làm gia tăng nguy cơ.

Để phòng ngừa bệnh lý ung thư trực tràng người dân nên tập luyện thể dục đều đặn, ăn nhiều chất xơ và hạn chế đồ nướng; tầm soát và khám sớm như nội soi đại trực tràng khi có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, nhất là những người trên 50 tuổi.

“Những người béo phì, gia đình có tiền căn ung thư, bệnh lý đa polyp đại tràng... cần đi khám tầm soát định kỳ hằng năm để phát hiện sớm”, bác sĩ Duy khuyến cáo.

Theo bác sĩ Duy, hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc tầm soát ung thư trực tràng được thực hiện rộng rãi, quan trọng nhất vẫn là nội soi đại tràng. Qua nội soi đại tràng vừa có thể phát hiện polyp - "mầm mống" của ung thư, có thể sinh thiết, chẩn đoán, và cắt polyp ngay.

Các phương pháp khác như xét nghiệm máu ẩn trong phân, CT Scan ổ bụng… là những chẩn đoán gián tiếp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bệnh ung thư trực tràng của họa sĩ Lê Thiết Cương có thể chữa thành công bao nhiêu %?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO