Bé trai 2 tuổi bị bỏng 60% cơ thể thoát chết nhờ ghép da từ mẹ
Bị bỏng nước sôi với diện tích lên đến 60% cơ thể, bao gồm các vùng: cổ, ngực, bụng, lưng, mông..., bé trai 2 tuổi nguy cơ tử vong cao đã được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép da đồng loại từ mẹ ruột.
Ngày 11.7, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bỏng nặng đặc biệt. Bệnh nhân là bé trai B.P.T. (2 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) nhập viện trong tình trạng nguy kịch với diện tích bỏng lên đến 60% cơ thể, bao gồm các vùng: cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó trưởng khoa Bỏng - Chỉnh trực, đánh giá đây là một trong những mức độ phỏng có nguy cơ tử vong rất cao ở trẻ nhỏ, do mất nước, mất dịch và rối loạn điện giải nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Ngà, dù bệnh nhi được hồi sức tích cực liên tục, nhưng sau 3 ngày điều trị, tình trạng mất dịch vẫn kéo dài và diễn tiến phức tạp. Trước nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhi, các bác sĩ đã quyết định chỉ định ghép da đồng loại sớm – một kỹ thuật can thiệp đặc biệt nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục và kiểm soát nhiễm trùng. Người hiến da là mẹ ruột của bé.
Sau 5 ngày nhập viện, ca ghép da được thực hiện thành công. “Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong ê kíp có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong xử trí bỏng nặng ở trẻ em, các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp kịp thời, giúp bệnh nhi vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tình trạng của bé có cải thiện rõ rệt sau ghép da, các vùng da ghép bắt đầu lành đáy và phục hồi tốt”, bác sĩ Ngà chia sẻ.
“Đây là trường hợp ghép da đồng loại được thực hiện nhanh nhất từ sau khi nhập viện (5 ngày), đánh dấu một bước tiến nổi bật trong điều trị phỏng nặng tại bệnh viện. Thành công này là nhờ năng lực chuyên môn và sự nhạy bén của đội ngũ y bác sĩ trong việc áp dụng các giải pháp điều trị tiên tiến, mang lại hy vọng sống cho trẻ em bị phỏng diện rộng”, bác sĩ Ngà cho biết thêm.
Kỹ thuật ghép da đồng loại (allograft) là một lựa chọn quan trọng khi diện tích vùng da lành quá ít, không đủ để ghép tự thân. Việc thực hiện ghép sớm giúp rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng huyết – biến chứng nguy hiểm hàng đầu của phỏng nặng.
Theo bác sĩ Ngà, bỏng nước sôi là nguyên nhân hàng đầu gây phỏng nặng ở trẻ em. Tai nạn thường xảy ra khi người lớn đang nấu nướng, chế biến món ăn có nước nóng hoặc đặt các vật dụng chứa chất lỏng nóng trong tầm tay trẻ.
"Các bậc phụ huynh tuyệt đối không để trẻ nhỏ lại gần khu vực đang nấu ăn hoặc có nước sôi; luôn để trẻ trong tầm mắt khi chăm sóc; trang bị kiến thức sơ cứu phỏng đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu tổn thương nặng", bác sĩ Ngà khuyến cáo.