An toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là các vụ ngộ độc
Gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm; phát hiện thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, thậm chí thực phẩm bẩn và có những vụ việc phát hiện cả dòi bọ trong thực phẩm, gây bức xúc trong cộng đồng, lo lắng cho người tiêu dùng.
Đây quả thực là vấn đề cấp bách cần chấn chỉnh, song an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là những vấn đề này mà còn cần thay đổi cả thói quen dễ dãi từ người bán đến người tiêu dùng.
Thường cứ sau mỗi vụ việc ngộ độc thực phẩm, phát hiện thực phẩm của một địa điểm kinh doanh nào đó bán ra có vấn đề thì ngay lập tức báo chí, công luận lên tiếng và các cơ quan có trách nhiệm lại lập đoàn kiểm tra, thanh tra. Thế nhưng, nếu để ý kỹ một chút, không khó nhận ra rằng tất cả những việc làm ấy vẫn chỉ là đang giải quyết phần “ngọn”.
Ta đã từng bắt gặp các xe bánh mì dạo phô bày thịt chín, bơ, pa tê... nhưng không hề được che đậy. Cũng vậy, có những hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt nhiều khi ruồi nhặng bu đen, nhưng bu là việc của ruồi còn người bán cứ bán, người mua cứ mua.
Hiện nay, ai đó muốn kinh doanh một mặt hàng gì đều phải qua nhiều khâu rà soát, đăng ký với những thủ tục khác nhau, riêng bán hàng ăn uống hầu như thủ tục thường không khó. Thậm chí, trong thực tế có người nấu, pha, chế biến chẳng cần đăng ký với ai, chỉ bày bàn ghế, căng biển hiệu lên bán… và khách hàng tới ăn. Nếu ta để ý cũng sẽ thấy, có những nhà hàng, quán ăn khá lớn, khá sạch sẽ nhưng hầu như không thấy nhân viên mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đội mũ. Không khó để nhận ra có người vừa cởi trần vừa lăn bột bánh mì, mồ hôi thánh thót rớt xuống đâu thì rớt. Cũng vậy, có người bán hàng ăn nhưng không hề đeo khẩu trang, cũng không bảo hộ, miệng ho sù sụ, tay thoăn thoắt múc thức ăn cho khách hàng nhưng người ăn vẫn nhộn nhịp, đông đúc…
Vì vậy, không quá lời rằng nhiều người Việt thật “dễ tính” trong ăn uống. Chẳng vậy mà người ta đã tự trào rằng “ăn bẩn sống lâu”, hay “Việt Nam dân tộc cần cù/Thịt rơi dưới đất thổi phù ăn ngay”. Cũng có người nói giỡn rằng với nhiều người, cứ ăn vào thêm chút “đưa cay” bằng “quốc tửu GODEN” (tức rượu Gò Đen) là vi khuẩn chỉ có nước không chết cũng “què”.
Thực ra văn hóa Việt Nam chứng minh rằng người Việt rất tinh tế trong ăn uống, đặc biệt là phối hợp các loại thực phẩm, gia vị trong món ăn. Sự tinh tế này đã được đúc kết kiểu: “Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Ở thế kỷ 15 - 16, khi mà tuổi thọ của người Việt rất thấp, nam giới 50 tuổi đã làm lễ thọ thì cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thọ tới 95 tuổi ta. Tất nhiên, tuổi thọ của mỗi người vừa có phần di truyền, vừa có phần “trời cho”, song thói quen ăn uống, sinh hoạt chắc chắn góp phần không nhỏ. Triết lý sống của Trạng Trình là: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/Rượu đến bóng cây ta hãy uống/Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
Cha ông từng khuyên răn “bệnh từ miệng mà ra”, xét nghĩa đen là nói về việc bệnh tật đến từ thói quen ăn uống hằng ngày của mỗi người. Các món ăn nêm nếm “đậm đà” thường hợp khẩu vị của nhiều người, nhưng cái “đậm đà” ấy do tỷ lệ muối trong món ăn. Ở miền Nam thường dùng đường để nêm nếm thay bột ngọt, vì đường ngọt nên để cho đậm đà lại thêm chút muối, vậy là lượng muối dùng cho nêm nếm món ăn có thể cao hơn và điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe người dùng.
Có thể thấy an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề tối quan trọng, liên quan đến sức khỏe, giống nòi. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cần phải có những quy định chặt chẽ trong việc cấp phép kinh doanh đối với các hoạt động buôn bán thực phẩm. Cũng vậy, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thói quen ăn uống cho cả người bán và người mua…