Chính phủ đã ban hành Nghị định 180/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH-CN, ĐMST) và chuyển đổi số.
200% chi phí cho R&D được trừ thuế
Theo nghị định, lĩnh vực KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số áp dụng hợp tác công tư gồm:
Công nghệ cao, công nghệ chiến lược theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về KH-CN và ĐMST; hạ tầng cho KH-CN và ĐMST nhằm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chiến lược; hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; nền tảng số dùng chung theo quy định tại điều 10 của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19.2.2025 của Quốc hội.
Ngoài ra còn có hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số và các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, thúc đẩy chuyển đổi số.
Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Đáng chú ý, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Ngoài ra còn được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST; được áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH-CN và ĐMST; Nhà nước đặt hàng, chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư thực hiện nhiệm vụ KH-CN và ĐMST đặc biệt.
Cơ chế đặc thù, ưu đãi của Nhà nước đối với dự án PPP
Nghị định quy định các dự án PPP KH-CN được áp dụng cơ chế đặc thù về hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước.
Cụ thể, được áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP đến 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm.
Dự án PPP có hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST được đặt hàng hoặc tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước quy định tại điều 22 của nghị định này. Phần kinh phí này độc lập với phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định tại khoản 1 điều 22.
Ngoài ra còn được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh, được áp dụng mức chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm giữa doanh thu thực tế và doanh thu trong phương án tài chính khi doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính.
Việc chia sẻ phần giảm doanh thu tại khoản này được áp dụng khi dự án PPP đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Nghị định cũng cho phép được áp dụng quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại điều 52 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong trường hợp sản phẩm KH-CN và ĐMST do doanh nghiệp dự án PPP tạo ra đã thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại khoản 3 điều này trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh nhưng doanh thu thực tế vẫn thấp hơn 50% doanh thu dự kiến trong phương án tài chính.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng KH-CN và các chi phí vận hành hợp pháp liên quan đến hoạt động KH-CN khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu và phân chia lợi nhuận
Quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu hình thành từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu trong hợp tác công tư được xác định như sau:
Cơ quan nhà nước là chủ sở hữu dữ liệu gốc do cơ quan nhà nước trực tiếp tạo lập trong quá trình hoạt động hoặc được thu thập, tạo lập từ số hóa giấy tờ, tài liệu và các dạng vật chất khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Dữ liệu phát sinh từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với quy định của pháp luật về dữ liệu, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về KH-CN và ĐMST và pháp luật có liên quan.
Việc phân chia lợi nhuận thu được sau thuế từ việc khai thác thương mại tài sản phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác, phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về KH-CN và ĐMST và các pháp luật khác có liên quan bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng, tương xứng với tỷ lệ đóng góp về tài chính, tài nguyên và công nghệ của từng bên.