Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho rằng "lãnh đạo công nghệ" – những người cầm trịch, dẫn dắt doanh nghiệp – vẫn mờ nhạt trong các chính sách.
Ngành bán dẫn đang bước vào kỷ nguyên bùng nổ, trở thành tâm điểm chiến lược trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Thị trường chip bán dẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 14% trong suốt hai thập kỷ qua. Với đà phát triển này, ngành bán dẫn sẽ cán mốc nghìn tỉ USD vào năm 2030, trở thành trụ cột chiến lược của nền kinh tế toàn cầu.
Tại hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” do Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chiều 30.6, các chuyên gia cho rằng cạnh tranh địa chính trị và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở ra cơ hội cho Việt Nam định vị lại vị thế của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho hay Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, Việt Nam có sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước; gần 160 trường đào tạo chuyên ngành công nghệ kỹ thuật; môi trường thuận lợi, chính sách ưu đãi, nguồn lao động kỹ thuật dồi dào...
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng chính sách đang tập trung về phát triển kỹ sư, chuyên gia bán dẫn, còn "lãnh đạo công nghệ, công ty bán dẫn" - những người cầm trịch dẫn dắt doanh nghiệp - vẫn mờ nhạt trong các chính sách.
“Ai sẽ là người dẫn dắt các công ty công nghệ Việt vươn ra thế giới? Ai sẽ đưa Việt Nam vào top 500, top 50 thậm chí top 10 doanh nghiệp công nghệ toàn cầu?”, ông Thịnh đặt câu hỏi và cho rằng không phải ai giỏi công nghệ cũng có thể trở thành lãnh đạo công nghệ. Trong một dự án công nghệ thông tin, người lập trình giỏi nhất chưa chắc là người phù hợp để dẫn dắt.
Theo ông Thịnh, lãnh đạo công nghệ cần một sự kết hợp đặc biệt – kiến thức kỹ thuật sâu rộng, tư duy chiến lược sắc bén.
“Một lãnh đạo giỏi phải “nói chuyện được” với nhà đầu tư, chính quyền, khách hàng lẫn đội ngũ kỹ thuật, để biến công nghệ thành sản phẩm thương mại. Quan trọng không kém là khả năng xây dựng mạng lưới, tạo dựng niềm tin – nền tảng để khởi nghiệp đi xa”, ông Thịnh nêu.
Ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ, dài hơi. Trước hết, cần thiết lập các chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp giữa công nghệ và quản trị chiến lược.
Các chương trình này không chỉ dạy về lập trình hay tài chính, mà còn phải trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, gọi vốn, và xu hướng công nghệ toàn cầu; hợp tác với các trường danh tiếng như MIT, Stanford hay Harvard.
“Dù tốn kém, là một khoản đầu tư xứng đáng để tạo ra những lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu”, ông nói và nhấn mạnh cần tạo cơ hội cho các lãnh đạo trẻ cọ xát thực tiễn.
Đặc biệt, lãnh đạo NIC cho rằng có thể cân nhắc đến các chính sách đặc biệt cho nhóm đối tượng lãnh đạo công nghệ cao là người Việt ở nước ngoài để thu hút về Việt Nam và giữ chân nhân tài như: miễn thuế thu nhập cá nhân, cấp ngân sách nghiên cứu, và quan trọng hơn, được trao quyền thực sự trong các dự án quốc gia.
TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho rằng mục tiêu về số lượng 50.000 kỹ sư, nhưng thiếu chiến lược về chất lượng và cấu trúc.
Theo ông Hoàng, hệ thống đào tạo hiện tại mới đáp ứng 22% yêu cầu kỹ năng chuyên sâu, thiếu hụt 85% chuyên gia đầu ngành. Chưa kể tỷ lệ "chảy máu chất xám" lên đến 35% khi 70% sinh viên xuất sắc du học không trở về và 65% kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài không quay lại sau 5 năm làm việc.
Ông Hoàng cho hay muốn đạt mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn đến 2030 và nâng tỷ trọng trong chuỗi giá trị từ 5% lên 15-20%, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào đào tạo cả 3 tầng: tầng kỹ thuật viên tăng lên 80.000-100.000 người; tầng kỹ sư cần đạt 15.000-20.000 người thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và hợp tác quốc tế; tầng lãnh đạo cần đạt 2.000-3.000 chuyên gia thông qua thu hút Việt kiều và đầu tư vào viện nghiên cứu bán dẫn (mô hình tương tự ITRI).
“Đại học cần chuyển đổi từ mô hình giảng dạy truyền thống sang mô hình "Hub đổi mới sáng tạo", tăng nguồn thu ngoài ngân sách lên 40-50%, đồng thời tạo ra ít nhất 5-10 spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học) công nghệ mỗi năm dựa trên nghiên cứu của giảng viên và sinh viên”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng khuyến nghị về lộ trình xây dựng nhân lực. Cụ thể, giai đoạn 1 - nền tảng (2025-2027): Đào tạo 2.500 kỹ sư OSAT (đóng gói và kiểm thử bán dẫn) qua hợp tác với Intel Việt Nam và Amkor Technology; xây dựng 5 chương trình đào tạo thiết kế vi mạch tại 3 trường đại học trọng điểm; thu hút 15 chuyên gia quốc tế về IP và chuỗi cung ứng làm việc tại Việt Nam; thành lập Trung tâm Đổi mới bán dẫn Việt Nam (VSI) với ngân sách 50 triệu USD.
Giai đoạn 2 – tăng tốc (2028-2030): Mở rộng lực lượng kỹ sư thiết kế lên 5.000 người, trong đó 30% có trình độ sau đại học; phát triển 3-5 nhóm R&D chuyên sâu về thiết kế chip AI và IoT, mỗi nhóm 50-100 chuyên gia; áp dụng chương trình "Golden Visa" thu hút 200 chuyên gia đầu ngành từ Đài Loan, Mỹ và Hàn Quốc; xây dựng Quỹ Đầu tư bán dẫn 200 triệu USD để hỗ trợ các startup về thiết kế vi mạch.
Giai đoạn 3 – chuyên sâu (2031-2035): Phát triển 2-3 Trung tâm R&D đẳng cấp thế giới cho thị trường ngách (chip IoT, y tế, nông nghiệp); thương mại hóa ít nhất 20 IP "Make in Vietnam" với doanh thu 100 triệu USD/năm; phát triển 10+ công ty spin-off từ các trường đại học với tổng vốn hóa đạt 500 triệu USD; đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn chuyên sâu, 15% đạt trình độ tiến sĩ.