Kể từ khi nhậm chức Giám đốc điều hành Intel vào tháng 3, ông Lip-Bu Tan đã nhanh chóng cắt giảm chi phí và tìm kiếm con đường mới để hồi sinh hãng sản xuất chip Mỹ đang gặp khó khăn.
Theo hai nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, ông Lip-Bu Tan đang cân nhắc một thay đổi lớn với mảng sản xuất chip theo hợp đồng (foundry) của Intel nhằm thu hút các khách hàng lớn - hướng đi có thể tốn kém và khác biệt đáng kể so với kế hoạch của người tiền nhiệm là Pat Gelsinger.
Nếu được thực hiện, chiến lược mới này sẽ khiến Intel ngừng tiếp thị các công nghệ sản xuất chip nhất định mà công ty đã phát triển từ lâu cho khách hàng bên ngoài, theo vài nguồn tin.
Từ tháng 6, Lip-Bu Tan bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng 18A, quy trình sản xuất chip mà cựu giám đốc điều hành Pat Gelsinger từng đặt cược rất nhiều, đang dần mất sức hút với khách hàng mới.
Việc bỏ doanh thu bên ngoài từ 18A và biến thể của nó là 18A-P, hai quy trình sản xuất đã tiêu tốn của Intel hàng tỉ USD để phát triển, sẽ buộc công ty phải ghi nhận khoản lỗ, một trong hai nguồn tin cho biết. Các nhà phân tích trong ngành được Reuters liên hệ nhận định khoản lỗ này có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD.
Intel từ chối bình luận về những “kịch bản giả định hoặc suy đoán thị trường”. Hãng cho biết khách hàng chính của 18A từ lâu vẫn là chính Intel và dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất chip Panther Lake cho laptop cuối năm 2025. Đây là dòng vi xử lý được Intel mô tả là tiên tiến nhất từng được thiết kế và sản xuất tại Mỹ.
Chìa khóa cho tương lai
Việc thuyết phục các khách hàng bên ngoài sử dụng nhà máy sản xuất chip của Intel vẫn là chìa khóa cho tương lai công ty. Trong khi quy trình 18A đối mặt với sự chậm trễ, công nghệ N2 của đối thủ TSMC vẫn đi đúng lộ trình sản xuất. TSMC (Đài Loan) hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới.
Theo hai nguồn tin, câu trả lời sơ bộ của Tan cho thách thức này là tập trung nhiều nguồn lực hơn vào quy trình sản xuất chip thế hệ tiếp theo 14A, mà Intel kỳ vọng có lợi thế hơn TSMC. Động thái này nhằm nhắm đến các khách hàng lớn như Apple và Nvidia, hiện thuê TSMC sản xuất chip cho họ.
Lip-Bu Tan đã giao nhiệm vụ cho công ty chuẩn bị các phương án để trình bày với hội đồng quản trị trong cuộc họp có thể diễn ra ngay tháng 7 này, gồm cả việc có nên ngừng tiếp thị 18A cho khách hàng mới hay không, theo một trong hai nguồn tin của Reuters. Tuy nhiên, hội đồng quản trị Intel có thể sẽ chưa đưa ra quyết định cuối cùng cho đến cuộc họp vào mùa thu do tính phức tạp của vấn đề và số tiền khổng lồ liên quan.
Intel từ chối bình luận về những gì hãng gọi là tin đồn. Trong một tuyên bố, Intel cho biết: “Ông Lip-Bu Tan cùng đội ngũ lãnh đạo cam kết củng cố lộ trình sản phẩm, xây dựng niềm tin với khách hàng và cải thiện tình hình tài chính cho tương lai. Chúng tôi đã xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm và sẽ hành động để xoay chuyển tình hình kinh doanh”.
2024 là năm đầu tiên Intel báo lỗ kể từ 1986, với khoản lỗ ròng 18,8 tỉ USD.
Những cân nhắc của Lip-Bu Tan cho thấy rủi ro và chi phí khổng lồ mà Intel đang xem xét để đưa công ty trở lại quỹ đạo vững chắc. Giống Pat Gelsinger, Lip-Bu Tan tiếp quản một công ty đã đánh mất lợi thế sản xuất và tụt hậu trong các làn sóng công nghệ quan trọng suốt hai thập kỷ qua, từ điện toán di động đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Intel hiện đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip nội bộ sử dụng quy trình 18A trong năm nay, dự kiến sớm hơn so với các đơn hàng từ khách hàng bên ngoài (các đối tác thuê Intel sản xuất chip - PV). Tuy nhiên, việc triển khai 14A kịp thời để giành được hợp đồng lớn vẫn chưa chắc chắn và Intel có thể sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch hiện tại với 18A, một nguồn tin của Reuters tiết lộ.
Intel cho biết đang điều chỉnh 14A để phù hợp với nhu cầu cụ thể của các khách hàng quan trọng nhằm đảm bảo thành công.
Một trong những quyết định lớn nhất
Chiến lược tổng thể của Lip-Bu Tan tại Intel vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Đến nay, doanh nhân người Mỹ gốc Malaysia 65 tuổi đã cải tổ đội ngũ lãnh đạo, tuyển dụng thêm kỹ sư tài năng và tinh giản bộ máy quản lý trung cấp mà ông cho là cồng kềnh và trì trệ.
Việc chuyển hướng khỏi tiếp thị 18A cho khách hàng của mảng sản xuất chip theo hợp đồng sẽ là một trong những quyết định lớn nhất với ông cho đến hiện tại, theo Reuters.
Quy trình 18A gồm một phương pháp hoàn toàn mới để cung cấp năng lượng cho chip và một loại bóng bán dẫn mới. Theo các giám đốc Intel, những cải tiến này được kỳ vọng sẽ giúp Intel ngang bằng hoặc vượt qua năng lực của TSMC. Song theo một số nhà phân tích ngành, 18A hiện chỉ tương đương với công nghệ N3 của TSMC, vốn đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt từ cuối năm 2022.
Nếu đi theo định hướng của Lip-Bu Tan, Intel sẽ dồn lực nhân sự mảng foundry, các đối tác thiết kế và khách hàng mới sang 14A, mà hãng hy vọng sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn với TSMC.
Intel dùng AI điều hành một phần hoạt động tiếp thị
Cuối tháng 6, Intel thông báo sẽ sử dụng AI để điều hành một phần hoạt động tiếp thị, có khả năng được vận hành bằng chính bộ vi xử lý của hãng.
Động thái này là một phần trong kế hoạch cải tổ toàn diện của Lip-Bu Tan, nhằm tinh giản hoạt động, cắt giảm chi phí và tăng tốc quá trình ra quyết định. Các nhân viên Intel bị ảnh hưởng sẽ nhận thông báo trước ngày 11.7.
Trong một tuyên bố, Intel gọi tập đoàn dịch vụ chuyên nghiệp Accenture (Ireland) là “đối tác lâu năm và đáng tin cậy”, đồng thời xác nhận sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác này.
Intel - Accenture có một mối quan hệ hợp tác lâu dài và sâu rộng ra từ năm 2014, tập trung vào việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới công nghệ cho các khách hàng trên toàn cầu.
Intel viết trong thông báo nội bộ: “Việc chuyển đổi các chức năng tiếp thị và vận hành sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể trong cấu trúc nhóm, gồm cả khả năng cắt giảm nhân sự, chỉ giữ lại những nhóm tinh gọn nhất”. Công ty không tiết lộ số lượng nhân viên có thể bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đang tập trung hiện đại hóa các năng lực kỹ thuật số để phục vụ khách hàng tốt hơn và củng cố thương hiệu”, Intel nhấn mạnh. Việc chuyển giao công việc sang cho Accenture được Intel mô tả là nhằm "hợp lý hóa các hoạt động tiếp thị".
Với đội tiếp thị, Intel cho biết: “Chúng ta cần thay đổi mô hình chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường để phản hồi nhanh hơn trước nhu cầu của khách hàng. Chúng ta đã nhận được phản hồi rằng quá trình ra quyết định quá chậm, chương trình tiếp thị quá phức tạp và đối thủ thì nhanh nhạy hơn nhiều".
Intel đang chật vật giành lại thị phần trong lĩnh vực PC (máy tính cá nhân), trung tâm dữ liệu và chip AI, với doanh số đã sụt giảm khoảng 1/3 vài năm gần đây.
Trong thông báo gửi nhân viên, Intel cho hay: “Chúng tôi đang hợp tác với Accenture để tận dụng các công nghệ do AI điều hành với mục tiêu tăng tốc độ, đơn giản hóa quy trình, áp dụng các chuẩn mực tốt nhất và kiểm soát chi tiêu”.
Ngoài ra, hãng chip Mỹ cho biết một số nhân viên có thể sẽ được yêu cầu đào tạo người thay thế trong giai đoạn chuyển giao. Vài ngày trước đó, bộ phận sản xuất của Intel đã nhận được cảnh báo rằng 20% nhân sự có thể bị cắt giảm vào tháng 7.
Sinh ra ở Malaysia, lớn lên tại Singapore và hiện là công dân Mỹ, Lip-Bu Tan đã theo học kỹ thuật hạt nhân tại Học viện Công nghệ Massachusetts trước khi chuyển đến bang California để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Vào năm 1987, ông thành lập Walden International - hãng đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Chính tư duy mạo hiểm và tầm nhìn sắc bén đã giúp Lip-Bu Tan nhanh chóng trở thành một nhân vật quan trọng trong ngành.
Dưới sự lãnh đạo của Lip-Bu Tan, Cadence Design Systems đã chuyển mình mạnh mẽ. Từ năm 2009 đến 2021, ông đã giúp Cadence Design Systems hợp tác chặt chẽ với TSMC, đưa công ty này trở thành đối tác quan trọng trong ngành. Cổ phiếu của Cadence Design Systems tăng 3.200% trong thời gian Lip-Bu Tan điều hành và hãng này trở thành nền tảng thiết kế chip cho các gã khổng lồ như Apple, Amazon, Google.
Không chỉ vậy, Lip-Bu Tan còn là nhà đầu tư chiến lược vào nhiều công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng. Ông từng đầu tư vào Annapurna Labs, công ty sau này được Amazon mua lại với giá 370 triệu USD để phát triển bộ phận chip nội bộ. Ông cũng đặt cược vào Nuvia, công ty khởi nghiệp được Qualcomm mua lại với giá 1,4 tỉ USD nhằm cạnh tranh trực tiếp với Intel trên thị trường chip PC.