Các hình ảnh mới xuất hiện gần đây đã hé lộ bước tiến mới trong chương trình phát triển pháo điện từ (railgun) của Nhật Bản.
Theo TWZ, loại vũ khí này đang được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF, tức quân đội) lắp đặt thử nghiệm trên tàu chiến JS Asuka, một tàu chuyên thử nghiệm công nghệ hải quân. Sự kiện đánh dấu một bước phát triển đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh hải quân Mỹ từng từ bỏ theo đuổi loại vũ khí này vì các trở ngại kỹ thuật.
Hình ảnh được chụp tại cảng Yokosuka vào ngày 30.6 cho thấy tháp pháo chứa pháo điện từ đang được lắp đặt và hiệu chỉnh trên sàn đuôi của tàu JS Asuka. Lớp vỏ bảo vệ bên ngoài tháp pháo đã được tháo ra, cho phép nhìn rõ cấu trúc bên trong, rất giống với nguyên mẫu pháo điện từ mà Cơ quan Công nghệ và hậu cần (ATLA) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thử nghiệm trên đất liền và ngoài khơi trước đó. Các container gần tháp pháo có thể chứa máy phát điện, tụ điện hoặc thiết bị hỗ trợ vận hành hệ thống, vốn yêu cầu lượng điện và cơ chế làm mát rất lớn.
Pháo điện từ hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng lực từ để tăng tốc đạn với vận tốc cực cao, thay vì dùng thuốc nổ hóa học. Trong các thử nghiệm trước, ATLA từng công bố vận tốc đạn đạt khoảng 2.230m/giây (Mach 6,5), sử dụng năng lượng 5 megajoule (tương đương 1,389kWh). Mục tiêu hiện tại là đạt độ bền nòng súng tối thiểu 120 phát bắn, một yếu tố từng khiến hải quân Mỹ phải dừng chương trình vì hao mòn quá nhanh.
Lắp đặt pháo trên tàu JS Asuka, một nền tảng thử nghiệm có lượng giãn nước 6.200 tấn, là một lựa chọn chiến lược. Việc tích hợp pháo điện từ vào tàu chiến thực tế sẽ đòi hỏi không gian lớn dưới boong để chứa hệ thống điện, làm mát, điều khiển và đạn dược. Với Asuka, phần sàn sau đủ rộng để bố trí hệ thống và tiến hành thử nghiệm thực địa, gồm cả thử bắn, mà không cần thay đổi cấu trúc tàu bao nhiêu.
Các báo cáo trước đó cho biết một đợt thử nghiệm bắn đạn thật đã được lên kế hoạch từ ngày 9.6 đến 25.7. Tàu Asuka được ghi nhận rời cảng đúng ngày 9.6, tuy nhiên chưa rõ liệu các cuộc thử nghiệm bắn thực tế đã được thực hiện hay chưa. Giới chuyên gia nhận định đây có thể là cột mốc quan trọng để đánh giá khả năng tích hợp và vận hành pháo điện từ trên tàu chiến hiện đại.
Kazumi Ito, Giám đốc phụ trách chính sách trang thiết bị tại ATLA, xác nhận trong một hội thảo tại DSEI Japan 2025 rằng chương trình pháo điện từ đang “tiến triển”, dù vẫn còn “nhiều thách thức kỹ thuật”. Nhật Bản cũng đã công bố mô hình pháo điện từ với thiết kế tháp pháo tối ưu hơn so với mẫu đang lắp đặt trên Asuka, một dấu hiệu cho thấy định hướng triển khai thực tế đã được xác lập.
Kế hoạch dài hạn của Nhật Bản là tích hợp pháo điện từ vào lớp tàu khu trục mới 13DDX. Trước đó, ATLA từng công bố hình ảnh ý tưởng trang bị pháo điện từ cho khu trục hạm lớp Maya (27DDG), cho thấy pháo được xem là một trong những vũ khí chủ lực của hải quân Nhật trong tương lai gần.
Pháo điện từ mang lại nhiều lợi thế chiến thuật. Với vận tốc cao, tầm bắn xa và độ chính xác lớn, vũ khí này có thể đảm nhiệm nhiều vai trò: từ phòng không, chống tên lửa hành trình, tấn công mục tiêu trên biển hoặc mặt đất. Ngoài ra, đạn pháo điện từ nhỏ gọn hơn, giá thành thấp hơn so với tên lửa dẫn đường, đồng thời không yêu cầu hệ thống nạp đạn phức tạp như các tên lửa trên biển, điều rất quan trọng trong bối cảnh không gian trên tàu chiến ngày càng bị giới hạn.
Nhật Bản không phải quốc gia duy nhất theo đuổi công nghệ pháo điện từ. Trung Quốc từng gây chú ý khi lắp đặt nguyên mẫu pháo điện từ có tháp pháo trên một tàu chiến vào năm 2018. Dù chưa rõ tiến độ phát triển hiện nay, động thái đó từng dấy lên lo ngại về sự vượt trội công nghệ trong khu vực. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia châu Âu cũng đang đầu tư vào loại vũ khí này.
Mỹ - quốc gia tiên phong trong lĩnh vực pháo điện từ, từ giữa những năm 2000, đã ngừng chương trình vào năm 2022 sau gần hai thập niên thử nghiệm. Các vấn đề như hao mòn nòng, yêu cầu năng lượng quá lớn, và chi phí triển khai cao là những nguyên nhân chính. Tuy nhiên, một số loại đạn siêu tốc từng phát triển cho pháo điện từ Mỹ vẫn đang được nghiên cứu ứng dụng trong pháo truyền thống, nhất là để đối phó UAV và tên lửa tốc độ cao.
Nhật Bản từng có các cuộc gặp cấp kỹ thuật với hải quân Mỹ nhằm tìm hiểu khả năng chia sẻ công nghệ hoặc học hỏi từ kinh nghiệm phát triển pháo điện từ trước đây của Mỹ. Giới chức ATLA cho biết nếu tiến trình thử nghiệm thuận lợi, cơ hội hợp tác công nghệ sẽ còn rộng mở hơn trong tương lai gần.
Việc Nhật Bản theo đuổi pháo điện từ diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang thay đổi nhanh chóng, với các mối đe dọa mới như vũ khí siêu vượt âm và UAV tốc độ cao. Trong bối cảnh đó, một hệ thống pháo có khả năng phản ứng nhanh, tầm xa và chi phí vận hành thấp có thể tạo ra ưu thế chiến thuật quan trọng.
Thỏa thuận hợp tác ký kết với Pháp và Đức trong năm 2024 về phát triển pháo điện từ cũng cho thấy Nhật Bản không đơn độc. Liên kết châu Á - châu Âu trong lĩnh vực này có thể mở ra hướng phát triển chung cho vũ khí điện từ, giảm chi phí và rút ngắn thời gian nghiên cứu. Hiện tại, mọi con mắt đang dõi theo JS Asuka và kết quả các đợt thử nghiệm sắp tới. Nếu thành công, pháo điện từ có thể trở thành vũ khí chủ lực mới của hải quân Nhật trong thập niên tới, một bước ngoặt đáng chú ý của công nghệ quốc phòng hiện đại.