Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết 5 luật mới được thông qua góp phần thiết lập đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Khoa học - công nghệ

5 luật đột phá về KH-CN góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường

Tuyết Nhung 07/07/2025 20:27

Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết 5 luật mới được thông qua góp phần thiết lập đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế

Bốn tháng sau khi hợp nhất, Bộ Khoa học - Công nghệ đã trình và được Quốc hội thông qua 5 luật có tính nền tảng, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

5 luật gồm Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tại buổi họp báo chiều nay (7.7), Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng 5 luật này không chỉ nhằm cập nhật thực tiễn, mà còn thể hiện một cách rõ nét quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế lâu nay vẫn được xem là rào cản lớn trong phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS).

831035190160b73eee71.jpg
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Lê Xuân Định

Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mà còn là một bản tuyên ngôn thể hiện tầm nhìn, khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường thông qua phát triển KH-CN, ĐMST. Lần đầu tiên, ĐMST được đặt ngang hàng với KH-CN thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển.

Luật Công nghiệp công nghệ số điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, bán dẫn, AI và tài sản số, với chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực này. Lần đầu tiên, chương trình “Make in Vietnam” được quy phạm hóa, thúc đẩy thiết kế, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.

Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cùng Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển căn bản từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro; chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ; chuyển từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon.

Theo Thứ trưởng Định, việc Quốc hội thông qua 5 đạo luật lần này là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57 và các nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực phát triển mới là khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS.

Các đạo luật không chỉ tạo nền tảng pháp lý để triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược quốc gia về KH-CN, ĐMST và CĐS, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước, đặc biệt khi hệ thống chính quyền hai cấp đang bước vào giai đoạn vận hành thực tế.

"Bộ kỳ vọng rằng, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa mạnh mẽ những nội dung cốt lõi của 5 đạo luật sẽ là đóng góp thiết thực, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến thực chất, xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả", Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Điểm mới của 5 luật vừa được thông qua

Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ ngày 1.10.2025) thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển, lần đầu tiên đưa ĐMST vào luật và đặt ngang hàng với KH-CN. ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

ĐMST được kỳ vọng đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP, trong khi KH-CN chỉ đóng góp 1%. Luật cũng chuyển trọng tâm quản lý từ kiểm soát đầu vào sang quản lý kết quả, đánh giá hiệu quả đầu ra, cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu mang lại. Các quy định này tạo động lực đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KH-CN với phát triển kinh tế - xã hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 1.1.2026) thể hiện tư duy quản lý mới, chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản lý chất lượng theo rủi ro; từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số; từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

Lần đầu tiên luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu liên ngành, hỗ trợ hậu kiểm, xử lý rủi ro chất lượng. Đồng thời, quy định quản lý rõ ràng đối với hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ ngày 1.1.2026) đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

Lần đầu tiên, chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn; đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Luật cũng quy định nguyên tắc "một sản phẩm – một quy chuẩn" trên toàn quốc, chấm dứt chồng chéo quản lý và tăng hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận nhanh thị trường.

Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ ngày 1.1.2026) là bước ngoặt lớn trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài sản số. Luật này quy định chiến lược phát triển chip chuyên dụng, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với AI, luật đưa ra nguyên tắc "lấy con người làm trung tâm", yêu cầu sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, Nhà nước dành chính sách ưu đãi cao nhất cho thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đây cũng là lần đầu tiên tài sản số bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa được bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung, và phòng thí nghiệm quốc gia được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam.

Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1.1.2026) tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon.

Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy. Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ chủ trì soạn thảo thêm bốn luật, gồm Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Như vậy, trong năm 2025, bộ trình Quốc hội ban hành 9 luật.

Bài liên quan
Bắc Ninh xây dựng loạt công trình phát triển khoa học công nghệ
Để phục vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tỉnh Bắc Ninh sẽ đầu tư xây dựng loạt công trình với diện tích 1.300ha.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
5 luật đột phá về KH-CN góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết 5 luật mới được thông qua góp phần thiết lập đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 luật đột phá về KH-CN góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường