1Matrix: Khởi đầu mạng dịch vụ và hệ sinh thái blockchain Việt Nam
Chủ tịch HĐQT Công ty 1Matrix, ông Phan Đức Trung phát biểu: Công ty có sứ mệnh xây dựng mạng Blockchain Layer 1 “Make in Vietnam” như lời cam kết tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Giữa làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, việc làm chủ công nghệ lõi trở thành yếu tố sống còn để nâng tầm vị thế quốc gia. Trong bối cảnh đó, Công ty 1Matrix ra đời với sứ mệnh xây dựng nền tảng Blockchain Layer 1 “Make in Vietnam”. Đây không chỉ là một dự án công nghệ, mà còn là một tuyên ngôn về khát vọng tự chủ và kết nối toàn cầu của người Việt. Trong cuộc trò chuyện mới đây với Một Thế Giới, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty 1Matrix - chia sẻ về lộ trình hiện thực hóa sứ mệnh đã được cam kết trước Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
- Trước hết, xin cảm ơn ông vì đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn này và chia sẻ về 1Matrix - một cái tên đang thu hút sự chú ý của không chỉ cộng đồng công nghệ mà cả những người không chuyên. Xin hỏi ông, để thực hiện sứ mệnh tạo lập một nền tảng cơ sở hạ tầng quy mô quốc gia, kết nối toàn cầu, thì lộ trình và kế hoạch triển khai thực tế của 1Matrix là gì?
- Ông Phan Đức Trung: Như đã cam kết trước Tổng Bí thư Tô Lâm, cam kết trước cả nước tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Công ty 1Matrix - đơn vị thành viên của OneMount Group - được thành lập với mục tiêu xây dựng mạng blockchain “Make in Việt Nam” nhằm góp phần đưa Việt Nam làm chủ hoàn toàn về công nghệ blockchain và sở hữu trí tuệ.
Cần phải làm rõ rằng, bản chất của mạng blockchain dịch vụ “Make in Việt Nam” là một nền tảng hạ tầng bao gồm rất nhiều layer 1 khác nhau với các cầu nối cũng như phân quyền, cho phép nhiều ngành nghề ứng dụng ở cả 2 khu vực công - tư có thể triển khai trên đó. Khi đấy, mọi người sẽ quên đi khái niệm layer 1 hoặc các câu chuyện kỹ thuật thuần túy mà chỉ còn quan tâm đến tính ứng dụng, khả năng mở rộng và hiệu quả thực tế của mạng blockchain dịch vụ này.
Cụ thể hơn, đối với khu vực dịch vụ công chúng tôi sẽ cố gắng hướng đến việc giải quyết những bài toán về dữ liệu quy mô lớn bằng việc kết hợp phương pháp xử lý dữ liệu tập trung và dữ liệu phân tán. Ví dụ như việc ứng dụng blockchain quản lý cơ sở dữ liệu đất đai sẽ mang lại nhiều lợi ích như vừa đảm bảo minh bạch, chống lừa đảo, giảm thiểu nỗi lo “mất sổ đỏ” về mặt vật lý, vừa giải quyết bài toán chi phí vì việc ứng dụng blockchain ở quy mô lớn sẽ giúp xử lý dữ liệu phân tán với giá rẻ hơn cách thức truyền thống xử lý dữ liệu tập trung.
Thứ hai là về khu vực tư, cũng đặt ra những yêu cầu tương tự về xử lý dữ liệu phân tán. Trong đó, ngành tài chính ngân hàng là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng cao. Thực tế, chi phí ngành tài chính ngân hàng đang quá cao do đặc thù là ngành quản trị rủi ro nhưng vấn đề này có thể giải quyết bằng cách ứng dụng blockchain và AI để chúng ta giảm chi phí, gián tiếp giảm chi phí vay vốn cho người dân. Các ứng dụng blockchain cũng có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận các dịch vụ tài chính quy mô nhỏ, phổ cập dịch vụ số hóa đến những tầng lớp rộng hơn trong xã hội.

- Với việc đặt mục tiêu trở thành hạ tầng công nghệ phi tập trung cho rất nhiều dịch vụ, có những lo ngại về vấn đề bảo mật, vậy cơ chế quản lý và xử lý dữ liệu trên mạng lưới, kiến trúc bảo mật mạng lưới được thiết kế như thế nào để đảm bảo hiệu quả và bảo mật, đối phó được nguy cơ tấn công?
- Ông Phan Đức Trung: Cảm ơn nhà báo, đây có lẽ là câu hỏi mà tôi gặp nhiều nhất kể từ khi công bố kế hoạch về 1Matrix và mạng blockchain “Make in Việt Nam”. Thực chất, bảo mật là yêu cầu bắt buộc của mọi sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng công nghệ. Không phải đến Web3 chúng ta mới đặt ra vấn đề về bảo mật mà ngay cả ở Web 1.0, Web 2.0 chúng ta cũng phải giải quyết bài toán an toàn dữ liệu vì nó là yếu tố cơ bản của mọi nền tảng hạ tầng. Hạ tầng web3 có tính phi tập trung nên thường tấn công sẽ khó khăn hơn hạ tầng web 2.0. Tuy nhiên, với các tài sản mã hóa trên web3 việc quản lý đòi hỏi hiểu biết kỹ thuật nhiều hơn. Trong giai đoạn thiết kế này 1Matrix đang kế thừa được toàn bộ các mối quan hệ của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) với các chuyên gia và công ty bảo mật web3 hàng đầu thế giới.
Đối với các sản phẩm, dịch vụ Web3, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là pháp lý ưu tiên song song chứ không phải bảo mật đơn thuần. Các sáng kiến công nghệ thường đi nhanh hơn tương đối nhiều so với hành lang pháp lý của hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, dẫn đến những khoảng trống về pháp lý hay những “vùng xám” thường bị lợi dụng cho những mục đích xấu. Thực tế tại Việt Nam, chúng ta đang có một cơ hội lớn về mặt chính sách khi liên tiếp có nhiều quy định cởi mở, tạo điều kiện cho công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng trưởng bứt phá như hai văn bản của Bộ Chính trị là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trước đó nữa, có thể kể đến Chiến lược Blockchain quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại QĐ 1236/TTg ngày 22.10.2024, và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) với những định nghĩa rất rõ về tài sản số, tài sản mã hóa và tài sản ảo.
Tôi xin nhấn mạnh là Dự thảo Luật CNCNS quy định về tài sản ảo chứ không phải tiền ảo, cần tránh nhầm lẫn về mặt bản chất của 2 loại hình này. Đây là một thành công lớn về mặt chính sách, bởi vì chỉ khi được định nghĩa là tài sản thì quyền và nghĩa vụ liên quan mới có thể được dẫn chiếu theo các quy định trong Điều 105 Bộ Luật Dân sự, làm căn cứ điều chỉnh các hoạt động về tranh chấp theo Luật Hình sự để giúp thị trường minh bạch và an toàn hơn.
- Phía sau 1Matrix là một hệ sinh thái hùng mạnh gồm Techcombank - One Mount Group - Masterise Group - Techcom Securities, và không thể không kể đến Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Vai trò và mức độ tham gia cụ thể của từng đối tác trong quá trình xây dựng, phát triển và ứng dụng Layer 1 là gì?
- Ông Phan Đức Trung: Techcombank - One Mount Group - Masterise Group - Techcom Securities là một hệ sinh thái lớn ở khu vực tư, một môi trường giàu tiềm năng để phát triển và thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ blockchain vào các hoạt động kinh doanh. Thực tế, hệ sinh thái Techcombank - One Mount Group - Masterise Group - Techcom Securities có thể sẽ được ưu tiên thử nghiệm và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ nhưng không phải là đối tác duy nhất của 1Matrix và càng không độc quyền dịch vụ 1Matrix.
Còn Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang giữ vai trò kết nối các nguồn lực từ trong và ngoài nước, giúp 1Matrix hoàn thiện mạng lưới và tìm kiếm các đối tác phù hợp cho từng nhiệm vụ cụ thể.
Trong bài trình bày tại lễ ra mắt Công ty 1Matrix, chúng tôi đã chia sẻ rất chi tiết rằng chúng tôi mong muốn hệ sinh thái sẽ có sự tham gia chủ động và mạnh mẽ từ các công ty công nghệ lớn như là Viettel, MobileFone, CMC, FPT, kể cả Amazon và Google. Nói cách khác, 1Matrix là đơn vị tiên phong, giữ vai trò khởi đầu của mạng dịch vụ blockchain Việt Nam. Nhưng để tạo lập một hệ sinh thái blockchain thực sự bền vững, lành mạnh và mang lại hiệu quả rõ nét cho xã hội, chúng tôi cần sự chung tay mạnh mẽ từ cộng đồng công nghệ cả trong và ngoài nước.
- Ông có thể chia sẻ thêm về việc hiện tại đã có những doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nào có những hành động cụ thể tham gia vào tiến trình này?
- Ông Phan Đức Trung: Chúng tôi đã bắt đầu kết nối và làm việc với nhiều đối tác cả trong và ngoài Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Chúng tôi cũng có được sự tư vấn và kết nối toàn cầu từ Công ty tư vấn Boston Consulting Group. Rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ và bảo mật đã chủ động tiếp cận 1Matrix để tìm hiểu về mạng lưới và khả năng tích hợp hệ thống của họ. Ngoài ra, một số đơn vị thuộc khu vực công cũng đang cân nhắc việc thử nghiệm các giải pháp blockchain như hóa đơn điện tử, nền tảng xác thực và lưu trữ dữ liệu công.
Mặc dù chưa thể công bố chính thức tất cả các đơn vị tham gia do còn trong giai đoạn chuẩn bị pháp lý và kỹ thuật, nhưng có thể khẳng định, sự quan tâm của cộng đồng hiện là rất lớn, và tiến trình triển khai đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

- Tại lễ ra mắt Công ty 1Matrix, Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Blockchain Việt Nam: VietChain talents 2025” cũng được công bố với giá trị giải lên tới 3,5 tỉ đồng, trong đó giải thưởng cho giải pháp layer 1 tới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên mục tiêu chính của 1Matrix cũng chính là xây dựng Layer 1. Dường như giải thưởng này đặt ra chính là dành cho 1Matrix?
- Ông Phan Đức Trung: Câu hỏi này rất thú vị và tôi xin khẳng định là hoàn toàn không có sự mâu thuẫn nào ở đây. Mục tiêu của giải thưởng VietChain Talents 2025 là tìm ra những nhân tài ngành blockchain với những giải pháp sáng tạo, có tính ứng dụng thực tiễn để thúc đẩy hệ sinh thái blockchain tại Việt Nam.
Giải thưởng 1 tỉ đồng cho Layer 1 là một lời mời dành cho các đội ngũ có năng lực cùng phát triển hạ tầng công nghệ cốt lõi, để chúng ta có thể có nhiều hơn một giải pháp, từ đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, lựa chọn tối ưu và mở rộng hợp tác. Như ở trên tôi có chia sẻ, mạng blockchain dịch vụ “Make in Việt Nam” không phải chỉ gồm 1 mà gồm rất nhiều layer 1 với các cầu nối. Tôi cho rằng, thành công của một mạng blockchain không nằm ở sự độc quyền mà nằm ở sự mở rộng, minh bạch và cộng tác hướng đến một mạng dịch vụ hạ tầng tin cậy với chi phí hợp lý. Nếu có những đội thi có giải pháp Layer 1 tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng đưa vào kết nối hạ tầng, và cùng thúc đẩy phát triển.
- Một câu hỏi cuối cùng. Tại sao ông và đội ngũ của mình lại lựa chọn một hướng đi đầy thách thức là xây dựng hạ tầng chiến lược ngành blockchain?
- Ông Phan Đức Trung: Chúng tôi thành lập 1Matrix, hướng tới xây dựng mạng blockhain Việt Nam bởi 3 lý do.
Thứ nhất, đây là một thị trường không có cạnh tranh, vì làm là lỗ. Xây dựng mạng blockchain dịch vụ rất tốn kém và bất kỳ ai tham gia vào lĩnh vực này đều phải xác định làm tới cùng. Nếu không làm được tới cùng thì đồng nghĩa với thất bại.
Thứ hai, trong Chiến lược Blockchain quốc gia đã giao nhiệm vụ rất rõ là Hiệp hội Blockchain Việt Nam phải có trách nhiệm phát triển các nền tảng blockchain “Make in Việt Nam”, tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số để triển khai các nền tảng này, nhưng tìm mãi không ra ai nên chúng tôi tự làm. Cũng phải nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ khi đánh giá cao lợi ích của mạng blockchain quốc gia, tương tự như mạng BSN của Trung Quốc, mạng EBSI của châu Âu và một số mạng blockchain dịch vụ của UAE. Các mạng đó đều chứng minh được lợi ích, hiệu quả chung đối với các nền kinh tế và Việt Nam cũng cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.
Thứ ba, tôi tự hỏi rằng nếu không phải là blockchain thì liệu chúng ta có thể bứt phá trong ngành công nghệ nào? Bán dẫn hay AI đều đòi hỏi đầu tư rất lớn về chi phí, tài nguyên và có thể là chúng ta đã đi sau thế giới khá xa để có thể bắt kịp trong các mảng này. Nhưng trong lĩnh vực blockchain thì Việt Nam lại có rất nhiều ưu thế, cũng như có rất nhiều vấn đề cần sớm giải quyết.
Cụ thể, cộng đồng người Việt đang quá hứng thú về tài sản mã hóa, mức độ chấp nhận cao top đầu thế giới nhưng lại chưa được ứng dụng đúng chỗ đúng nơi. Nhiều người đang bị cuốn vào các sàn giao dịch chưa được cấp phép, đầu tư vào các dự án không rõ ràng, trong khi các ưu thế của việc ứng dụng blockchain một cách lành mạnh thì lại chưa được khai thác. Đơn cử, với ứng dụng blockchain, ngân hàng có thể giải ngân một khoản vay trong 5 giây. Vâng, khoản vay 5 giây đối với cá nhân. Còn đối với tiểu thương, thời gian giải ngân là khoảng 5 phút.
Các nền tảng blockchain có thể cung cấp tới 200.000 - 300.000 giao dịch/giây, gấp 10 lần tốc độ hiện tại của hệ thống Visa và Master đang ở mức khoảng 25.000 giao dịch/giây. Đây có thể là tốc độ mơ ước của nhiều hệ thống tài chính và chỉ có thể giải quyết bằng blockchain.
Ngoài ra, còn rất nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng blockchain một cách hiệu quả như truy xuất nguồn gốc, định danh, xử lý dữ liệu… mà 1Matrix và rất nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực triển khai để tạo dựng hạ tầng công nghệ, để giúp Việt Nam làm chủ hoàn toàn về công nghệ, về sở hữu trí tuệ và định vị trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông và chúc 1Matrix, chúc Hiệp hội Blockchain Việt Nam thành công trên con đường phổ cập và thúc đẩy ứng dụng blockchain.